Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhập siêu giảm nhờ xuất khẩu vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Tổng cục Thống kê, mức nhập siêu trong tháng 7.2011 chỉ khoảng 200 triệu USD – bằng 2,4% kim ngạch xuất khẩu (XK). Đây được xem là mức nhập siêu thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Tính chung, mức nhập siêu trong 7 tháng đầu năm nay là 6,64 tỉ USD – bằng 12,9% tổng kim ngạch hàng hóa XK. Tuy nhiên, nếu loại trừ mặt hàng vàng, nhập siêu 7 tháng tăng vọt lên 8,4 tỉ USD – bằng 16,9% kim ngạch XK và cao hơn so với mức khống chế nhập siêu của Bộ Công Thương đặt ra (16% kim ngạch XK).

Giá trị lớn do xuất khẩu vàng mang lại góp phần làm giảm nhập siêu của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2011. Ảnh: T.L
Lượng và giá đều tăng
Phân tích của Tổng cục Thống kê cho thấy: Trong tháng 7.2011, kim ngạch hàng hóa XK cả nước ước tính đạt 8,4 tỉ USD, giảm 0,7% so với tháng 6.2011, nhưng tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa XK đạt 51,5 tỉ USD – tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 23,7 tỉ USD – tăng 33,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 27,8 tỉ USD – tăng 33,7%. Nguyên nhân của tốc độ tăng cao kim ngạch XK là do, thứ nhất các mặt hàng nông – thủy sản XK chủ lực của VN tăng đáng kể về lượng như: Càphê tăng 18%; gạo tăng 9%; sắn và sản phẩm sắn tăng 38,9%; caosu tăng 11,4%; thậm chí xăng dầu tái xuất đã tăng 21,3%.
Mặt khác, do giá nhiều mặt hàng cũng đang đà tăng mạnh như: Giá hạt tiêu tăng 68,5%; giá caosu tăng 59%; càphê tăng 55,7%; hạt điều tăng 44,7%… Đặc biệt, các mặt hàng công nghiệp chế biến cũng có giá trị kim ngạch tăng cao như dệt – may đạt 7,6 tỉ USD – tăng 29,4%; giày dép đạt 3,6 tỉ USD – tăng 30,7%; thủy sản đạt 3,1 tỉ USD – tăng 26,1%; gạo đạt 2,3 tỉ USD…
Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (NK) tháng 7 đạt 8,6 tỉ USD – giảm nhẹ so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch NK đạt 58,1 tỉ USD – tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 32,7 tỉ USD – tăng 23,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,4 tỉ USD – tăng 29,5%. Kim ngạch NK tăng chủ yếu do NK máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ tùng phục vụ sản xuất trong nước. Cùng với đà tăng của đơn giá NK, cũng là nguyên nhân chủ yếu đẩy kim ngạch NK tăng cao.
Vẫn lo ngại nhập siêu từ Trung Quốc
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện Trung Quốc cung cấp đến hơn 60% nguyên liệu cho VN, đồng thời đang có một “làn sóng” các thiết bị, công nghệ nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đưa vào VN qua việc các DN đầu tư thiết bị, máy móc để sản xuất. Do lợi thế về giá nên những thiết bị này vẫn mặc nhiên được các DN nhập về, bất chấp việc gia tăng ô nhiễm môi trường, gia tăng chất thải công nghiệp đối với những công nghệ “bẩn”, công nghệ lạc hậu đã bị Trung Quốc loại bỏ.
Bộ Công Thương cũng cho biết, nếu căn cứ vào cơ cấu NK thì hiện nhập siêu từ Trung Quốc đang chiếm áp đảo với ít nhất là gần 6 tỉ USD. Điều này cho thấy, nếu thời gian tới VN không có chủ trương đẩy mạnh XK những mặt hàng phụ thuộc vào Trung Quốc và có biện pháp hữu hiệu như thực hiện các hàng rào kỹ thuật để giảm NK những loại máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng thì sẽ khó lòng giảm được nhập siêu từ nước này.
TS Đinh Văn Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương – nhận định, muốn cân bằng cán cân thương mại thời gian tới và đẩy lùi nhập siêu từ Trung Quốc, bên cạnh mục tiêu đề ra nhằm đạt tốc độ tăng trưởng XK bền vững, VN cần tái cấu trúc cơ cấu hàng XK, chuyển từ dựa chủ yếu là XK khoáng sản, nông sản thô sang các mặt hàng công nghiệp chế biến, đạt giá trị gia tăng cao.
Theo QUỲNH TRANG
Lao Dong

 

Bình luận (0)