Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hoàn thiện pháp lý để phát triển vận tải biển

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 28-7, tại TP.HCM đã diễn ra “Hội thảo đánh giá tác động của VN gia nhập các công ước quốc tế về vận tải hàng hóa bằng đường biển” do Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP) tổ chức.

Theo ông David Luff, Công ty Luật Apple Luff (Mỹ), hiện thế giới có ba công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển gồm: Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc liên quan đến vận đơn đường biển ký tại Brussels năm 1924 (Quy tắc Hague – Visby), Công ước Hamburg và Công ước Rotterdam (chưa có hiệu lực). Đây là cơ sở pháp lý đảm bảo hoạt động của các DN kinh doanh vận tải biển.

TS Nguyễn Minh Hằng, bộ môn luật (ĐH Ngoại thương), cho hay cần phải nghiên cứu ba bộ công ước trên để so sánh với thực tế kinh tế và pháp luật VN hiện hành. “Nhiều quy định trong Quy tắc Hague – Visby giống với các quy định trong bộ luật hàng hải Việt Nam (LHHVN). Nếu tham gia công ước này, chúng ta không phải sửa luật. Đối với Công ước Hamburg và Công ước Rotterdam thì có nhiều điểm mà LHHVN cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong đó, tăng trách nhiệm của người chuyên chở trong việc cung cấp tàu có đủ khả năng đi biển, giảm các trường hợp miễn trách nhiệm…” – TS Hằng nói.

Ông Ngô Đức Minh, Phó Trưởng phòng Xây dựng pháp luật (Vụ Pháp chế), cho rằng tham gia công ước quốc tế trong vận tải biển là cơ hội gia nhập sâu hơn của nền kinh tế VN với thế giới. Tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng không chỉ từ các nhà quản lý, luật sư mà quan trọng là từ nhận thức của DN vận tải biển.

Ông Hà Khải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải VN, cho biết tham gia các công ước sẽ hỗ trợ cho thương mại và hàng hải VN phát triển và có vị thế hơn khi ra nước ngoài.

Theo Pháp luật

Bình luận (0)