Tới đây, tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất khẩu cá tra (bao gồm cả cá tra và cá ba sa) phải đảm bảo có nguồn cung nguyên liệu ít nhất bằng 50% so với công suất thiết kế, thông qua tự sản xuất hoặc liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nuôi cá tra.
Ảnh: minh họa – Internet |
Đó là một nội dung trong dự thảo nghị định về quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa, hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng.
Theo dự thảo nghị định này thì, tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất khẩu cá tra phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; sở hữu ít nhất một cơ sở chế biến thủy sản có giấy phép đủ điều kiện chế biến thủy sản còn hiệu lực và phải đảm bảo có nguồn cung ít nhất 50% cá tra nguyên liệu so với công suất thiết kế thông qua tự sản xuất hoặc liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nuôi cá tra; có hợp đồng xuất khẩu với giá bán không thấp hơn giá sàn xuất khẩu cá tra đã công bố còn hiệu lực.
Giá sàn xuất khẩu các tra được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chủ trì xây dựng và công bố sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp thuận.
Nguyên tắc xây dựng giá sàn cá tra xuất khẩu phải đảm bảo lợi nhuận tối thiểu ở các khâu của chuỗi sản xuất, trong đó lợi nhuận tối thiểu của người nuôi là 5%.
Trong điều kiện bình thường giá sàn sản phẩm các tra xuất khẩu được công bố vào tuần đầu của mỗi quý. Tuy nhiên, khi diễn biến thị trường có sự thay đổi bất thường ảnh hưởng đến lợi ích của người sản xuất và tiêu thụ cá tra, VASEP phải trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét quyết định.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu cá tra còn phải thỏa mãn các điều kiện như sản phẩm các tra xuất khẩu có nguồn gốc xuất xứ rõ rằng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Chế biến và xuất khẩu sản phẩm phi lê đông lạnh, tỷ lệ nước mạ băng so với khối lượng tịnh của sản phẩm phải tuân thủ quy định của nước nhập khẩu nhưng không vượt quá 20%.
Theo Y Nhung
Vneconomy
Vneconomy
Bình luận (0)