Các trường quốc tế nếu để xảy ra UTGT sẽ bị rút giấy phép |
Sở GD-ĐT TP.HCM có đề xuất với Ban An toàn giao thông (ATGT) về việc học lệch giờ giữa các trường, các bậc học để kéo giảm việc ùn tắc giao thông (UTGT) trước cổng trường. Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Ban phụ trách chuyên môn Ban ATGT (Sở Giao thông Vận tải) TP.HCM…
PV: Thưa ông, vừa qua Sở GD-ĐT có văn bản đề xuất dự kiến năm 2010 thay đổi giờ học của các bậc học trên địa bàn nhằm giảm thiểu UTGT. Xin ông cho ý kiến về việc này?
– Ông Nguyễn Ngọc Tường: Thực hiện Nghị quyết Chính phủ số 16/2008/NQ–CP về việc khắc phục UTGT tại hai thành phố lớn: TP. Hà Nội và TP.HCM, ngày 30-10-2009, UBND TP.HCM đã có kế hoạch số 5678/KH-UBND về việc thực hiện một số biện pháp trước mắt nhằm kéo giảm UNTG trên địa bàn TP.HCM từ nay đến hết quý I năm 2010. Trong các nhóm biện pháp đề ra nhằm kéo giảm UTGT có việc học lệch giờ.
Việc áp dụng học lệch giờ là cần thiết trong tình hình hiện nay nhiều trường để xảy ra tình trạng UTGT. Tuy nhiên, cần nói rõ, không phải tất cả các trường, các quận, huyện toàn TP.HCM đều áp dụng học lệch giờ. Điều này là không cần thiết. Chỉ các trường, các tuyến đường thường xuyên xảy ra UTGT mới áp dụng học lệch giờ. Và việc học lệch giờ như thế nào? Giao cho hiệu trưởng các trường này tùy điều kiện cụ thể của địa phương mà áp dụng. Phòng, Sở có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đề xuất.
Xin ông cho biết cụ thể những trường nào sẽ áp dụng việc học lệch giờ?
– UBND TP.HCM đã giao cho Phòng CSGT đường bộ cùng với UBND địa phương có các trường xảy ra tình trạng UTGT khảo sát và có đề xuất, tham mưu. Từ đó sẽ có danh sách cụ thể các trường cần áp dụng học lệch giờ. Các trường không thuộc diện này vẫn tổ chức học bình thường như lâu nay.
Xin ông nói rõ thêm về biện pháp học lệch giờ tại một số trường?
– Nhằm giảm thiểu tình trạng UTGT trên địa bàn TP, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Học lệch giờ là biện pháp rất nhỏ, chỉ áp dụng ở những trường, những tuyến đường thường xảy ra UTGT. Trong đó, căn cứ kết quả khảo sát của Phòng CSGT đường bộ và UBND địa phương, Sở GD-ĐT cần nêu rõ trường nào áp dụng học lệch giờ chứ không nêu bậc học chung chung. Thậm chí, hiệu trưởng các trường này cần có kế hoạch học lệch giờ giữa các khối, miễn sao ít ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Sở GD-ĐT cần chỉ đạo cho các Phòng GD-ĐT theo dõi, kiểm tra việc các trường mở hết các cổng cho phụ huynh vào sân trường đón học sinh (HS), không để phụ huynh đậu xe dưới lòng đường. Các trường không có sân cần phải thuê mướn địa điểm cho phụ huynh đậu xe đưa đón con hoặc phối hợp với các lực lượng địa phương để điều tiết giao thông tại cổng trường. Ngoài ra, các trường cần vận động HS đi học bằng phương tiện công cộng, tổ chức xe đưa rước HS. Sau này, khi UTGT cổng trường đã giải tỏa, trật tự giao thông trên địa bạn TP đã lập lại, các trường này có thể trở lại giờ học bình thường. Còn hiện nay, phụ huynh có con em học tại các trường thường xuyên xảy ra UTGT phải chấp nhận hy sinh để góp phần cải thiện tình trạng giao thông phức tạp tại TP. Phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường này phải bàn bạc, thảo luận với phụ huynh để thống nhất giờ học hợp lý, ít ảnh hưởng đến phụ huynh và đảm bảo các em vẫn học tập tốt.
Thưa ông, trên các phương tiện truyền thông, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng học lệch giờ do Sở GD-ĐT đề xuất là không khả thi, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, công việc của người dân. Xin ông cho biết ý kiến?
– Cần xác định rằng, UTGT tại các cổng trường không phải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng UTGT hiện nay tại TP. Vì vậy, đây không phải biện pháp chính, biện pháp duy nhất mà chỉ là biện pháp nhỏ trong tám nhóm biện pháp nhằm góp phần kéo giảm UTGT. Cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp mới có thể kéo giảm UTGT. Về lâu dài cần có các biện pháp cơ bản như quy hoạch và di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường ĐH, CĐ, trường dạy nghề, bệnh viện lớn ra khỏi khu vực trung tâm TP; đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tổ chức giao thông hợp lý và hiệu quả… Tuy nhiên, để kéo giảm UTGT hiện nay, cần các biện pháp trước mắt và phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp. Cho nên, chưa thể đánh giá là khả thi hay không khả thi. Và cũng không thể đánh giá độc lập biện pháp này!
Thưa ông, ông có lưu ý gì đối với một số trường thường xuyên UTGT?
– Đặc thù của các trường quốc tế là phụ huynh thường đưa đón con bằng ôtô nên rất dễ gây ùn ứ giao thông. Các trường này cần tổ chức xe đưa rước HS, vận động HS sử dụng phương tiện đi học. Các trường ĐH, CĐ, trường quốc tế, trường bán công, các trung tâm ngoại ngữ nếu để xảy ra UTGT, chúng tôi kiến nghị với Sở Kế hoạch – Đầu tư, UBND TP.HCM kiên quyết rút giấy phép.
Xin cám ơn ông!
Vũ Việt Giang (thực hiện)
Bình luận (0)