Tại bản tin số 7 về nợ công do Bộ Tài chính vừa công bố, tổng dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm 2010 là 27,86 tỷ USD, tương đương 85,7% tổng dư nợ. Tính chung, nợ nước ngoài của Chính phủ và do Chính phủ bảo lãnh đến cuối 2010 là 32,5 tỷ USD, tăng 4,6 tỷ USD so với năm trước đó.
Số liệu chi tiết về nợ của Việt Nam trong năm 2010 cũng cho biết so với GDP 2010, nợ nước ngoài chiếm 42,2%, tăng so với con số 39% của năm 2009 và cao nhất kể từ năm 2006. Do dư nợ tăng, tổng lượng tiền mà ngân sách phải dành để trả các đối tác nước ngoài trong năm 2010 là 1,67 tỷ USD (riêng tiền lãi và phí là hơn 616 triệu USD), tăng gần 30% trong khi năm 2009 là 1,29 tỷ USD.
Bộ Tài chính lưu ý, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2010 chỉ còn tương đương 187% tổng dư nợ ngắn hạn, giảm mạnh so với con số 290% của năm 2009. Một điểm nữa là lãi suất vay nợ của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Khoản vay có lãi suất cao từ 6 – 10%/năm đã lên tới 1,89 tỷ USD, gấp hơn 2 lần năm 2009.
Bộ Tài chính lý giải, có thể do Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Bên cạnh, là việc uy tín nợ quốc gia bị ảnh hưởng do một số bất ổn của kinh tế vĩ mô và vụ kiện Vinashin. Hiện các khoản vay nợ lãi suất thấp 1- 2,99%/ năm đang chiếm 65,5% tổng dư nợ.
Trong lần trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng về vấn đề nợ công mới đây, trước sự e ngại về tình trạng nợ của các doanh nghiệp nhà nước đã lên đến mức trên 50% GDP của cả nước, ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Tài chính (nay là Phó Thủ tướng) cho hay: nợ là một chỉ tiêu trong cân đối tài chính và hình thành nên tổng tài sản của doanh nghiệp.
Báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nêu rõ, đến 31-12-2010, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,65 lần. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả kinh doanh thấp, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu.
Khánh Huyền / TPO
Bình luận (0)