Đây là con số được Viện Răng Hàm Mặt quốc gia (RHMQG) đưa ra tại Hội nghị nha học đường toàn quốc do Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ GD-ĐT thực hiện ngày 10-12-2008. Trong số đó, số răng bị sâu trung bình/học sinh là 5,40.
Bị sâu răng nhưng không được điều trị
PGS.TS Trịnh Đình Hải, Viện RHMQG cho biết năm 2001, Việt Nam có 84,9% trẻ từ 6 – 8 tuổi sâu răng sữa. Cao nhất là đồng bằng sông Cửu Long với 93,7%. Tính trung bình số răng sâu của mỗi học sinh là 5,40. Đến năm 2008, số liệu mới thống kê được tại Hà Nội cho thấy tại thủ đô tỷ lệ sâu răng tới 92,2%, số răng bị sâu của mỗi học sinh trung bình là 5,7, còn tại Lào Cai, tỷ lệ sâu răng sữa của trẻ là 90,6% và số răng sâu trung bình/học sinh là 6,07%. PGS.TS Trịnh Đình Hải cũng khẳng định, hầu hết răng sâu của các em đều không được điều trị (chiếm tỷ lệ từ 89,7% – 99,7%). Đến nay, 58/63 tỉnh trên cả nước (đạt 92,1%) có nha học đường. 5 tỉnh chưa có nha học đường là Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Lai Châu, Hoà Bình.
TP.HCM cũng là một trong những đơn vị được đánh giá là đi đầu trong công tác nha học đường. Theo báo cáo của thành phố, hiện có 99,92% học sinh trên địa bàn được giáo dục nha khoa tại trường học, 24,7% số học sinh được súc miệng nước fluor 0,2% và đánh răng tại trường, 49,13% số học sinh được chăm sóc dự phòng lâm sàng tại trường. Thành phố có 170 phòng nha tại trường được triển khai đầy đủ các nội dung góp phần rất lớn vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ răng miệng cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, cũng còn một số tỉnh đã có kế hoạch phủ kín nhưng bị chậm như Thái Bình, Hà Nam, Bắc Cạn, Lâm Đồng…
Ngưng hoạt động nha học đường vì thiếu kinh phí
Từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, các nước tiên tiến trên thế giới đã xem sâu răng là một trong ba tai họa bệnh tật lớn của loài người, sau ung thư và bệnh tim mạch. Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển chung của xã hội, nha học đường đã thực sự được quan tâm. Song để tồn tại và phát triển nha học đường đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Từ thực tế của địa phương, đại diện của TP.HCM cho thấy, việc phân bổ thời gian giảng dạy 4 tiết ngoại khóa giáo dục nha khoa cho học sinh rất khó khăn. Phòng nha tại các trường tiểu học đang có chiều hướng thu hẹp. Năm 2004, toàn thành phố có 183 phòng nhưng đến 2005 chỉ còn 163 phòng. Báo cáo mới nhất của thành phố cho thấy có tới 39 trường (10,8%) có phòng nha đã ngưng hoạt động, 25,86% trường cho rằng khó duy trì hoạt động, trong đó có 3 trường có thể phải ngưng hoạt động. Nguyên nhân do không tuyển được nhân viên và không có kinh phí hoạt động. Mức thu phí nha học đường hiện nay là 15.000đ/học sinh là thấp. Do đó, TP.HCM đề xuất Nhà nước cấp kinh phí hoặc cho phép thu phí từ 20.000 – 30.000đ/học sinh/năm; quan tâm đến lương, đời sống, chế độ và quyền lợi cho nhân viên nha khoa. Ông Lã Quý Đôn, Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng hiện nay, nha học đường đang thiếu kinh phí để duy trì các hoạt động, thiếu cán bộ y tế trường học để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, thiếu cơ sở vật chất (phòng y tế, dụng cụ y tế, thuốc thiết yếu)… Còn theo PGS.TS Trịnh Đình Hải thì hiện có 46/58 tỉnh có báo cáo cho biết thiếu nhân lực làm công tác nha học đường; 47/58 tỉnh cho biết thiếu kinh phí hoạt động thường xuyên; 33/58 tỉnh thiếu thiết bị và dụng cụ nha khoa; 6/58 tỉnh cho biết bảo hiểm y tế không đủ chi trả kinh phí cho nội dung dự phòng lâm sàng cho học sinh. Đặc biệt, nhiều địa phương, ngay cả ngành y tế và giáo dục còn bị coi nhẹ, chưa có sự quan tâm thỏa đáng hoặc phối hợp không hiệu quả. Vì vậy tỷ lệ học sinh không được chăm sóc răng miệng vẫn còn cao.
Nghiêm Huê
Theo PGS.TS Trịnh Đình Hải, sâu răng nếu không được điều trị và phòng tránh kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. |
Bình luận (0)