Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 được Thủ tướng ký ban hành hôm nay (8/9), Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng phân tích, làm rõ nguyên nhân lạm phát ở Việt Nam
Lạm phát tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao cũng được Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ 2011 – 2016 xếp ở vị trí đầu tiên trong số các tồn tại của tình hình kinh tế – xã hội 8 tháng qua và cả năm 2011.
Theo định hướng của Chính phủ, CPI năm 2012 tăng dưới 10%
Các tồn tại tiếp theo là mặt bằng lãi suất cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư giảm; thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm sút; tỷ lệ hộ nghèo giảm chậm hơn kế hoạch đề ra; đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, công nhân ở các khu công nghiệp, vùng miền núi, dân tộc thiểu số… còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tai nạn và ùn tắc giao thông còn nhiều bức xúc, nhất là còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Để đạt được mục tiêu cả năm, ưu tiên kiềm chế lạm phát một lần nữa lại được Chính phủ tái khẳng định trong yêu cầu về nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành liên quan.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm đồng thời các mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất, tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6%.
Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục điều hành chính sách tài khóa thắt chặt kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ chặt chẽ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Yêu cầu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục rà soát việc cắt giảm đầu công theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ.
Nghị quyết còn nêu rõ “Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, phân tích làm rõ nguyên nhân lạm phát ở nước ta, từ đó đề xuất các giải pháp căn bản ứng phó có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, trình Chính phủ xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2011”.
Chính phủ cũng xác định mục tiêu tổng quát của năm 2012 là: Tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Định hướng một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu của năm 2012 được thống nhất: tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%; nhập siêu, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn so với chỉ tiêu đạt được năm 2011…
Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng được định hướng tăng dưới 10%, với sự tiếp tục nhất quán triển khai chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Kiềm chế cho được lạm phát, trong đó có phân tích rõ nguyên nhân khiến lạm phát ở Việt Nam liên tục cao cũng là yêu cầu được nhiều vị đại biểu Quốc hội khóa 13 đặt ra tại kỳ họp thứ nhất vừa qua.
Bởi ngay trong quá trình thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng đã có không ít ý kiến cho rằng, nhìn nhận về nguyên nhân lạm phát cao tại báo cáo là "chưa thỏa đáng".
Đó là giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng mạnh; việc điều chỉnh tăng một số mặt hàng thiết yếu, tăng tỷ giá, lãi suất làm tăng giá hàng hóa; phản ứng tăng giá dây chuyền do tâm lý người tiêu dùng bị tác động và do thiệt hại, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp làm giá lương thực, thực phẩm tăng cao…
Ngay trên diễn đàn Quốc hội, không ít đại biểu “đòi’ truy nguyên nhân gốc của lạm phát và cả trách nhiệm khiến cho lạm phát chậm được kiềm chế.
Một số vị đại diện của dân đã đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới cần có cam kết kiềm chế lạm phát và giảm dần về mức ngang bằng với các nước trong khu vực.
Có ý kiến đặt vấn đề kỳ họp thứ hai Quốc hội vào cuối năm nay, Chính phủ cần có báo cáo chuyên sâu về lạm phát, nghiên cứu, phân tích làm rõ nguyên nhân lạm phát cao ở Việt Nam.
Nguồn VNECONOMY
Bình luận (0)