Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thời tiết nắng nóng: Trường học “sốt” vì trẻ bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Các bé Trường MN Bé Ngoan (Q.1) đang uống thuốc

Từ đầu tuần đến nay, do thời tiết nắng nóng, có những ngày lên đến 36 – 37 độ khiến trẻ em nhập viện tăng đột biến…
Bệnh viện quá tải
Trước đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện (BV) Nhi đồng II có khoảng 3.000 – 3.500 bệnh nhi đến khám nhưng từ đầu tuần đến nay đã tăng lên khoảng 4.000 ca/ngày. Tương tự, tại BV Nhi đồng I, mỗi ngày có khoảng 5.000 trẻ đến khám chữa bệnh, tăng trên 500 ca so với trước đây.
Bác sĩ Vũ Quang Vinh – Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi đồng II cho biết: “Khoảng 50% bệnh nhi đến khám mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và đường hô hấp”. Trung bình, mỗi ngày Khoa Tiêu hóa của BV tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhi bị tiêu chảy. Ngoài ra, đây đang là mùa của bệnh tay chân miệng nên số ca bệnh nhập viện cũng tăng. Ngày 23-4, tại Khoa Nhiễm của BV có trên 40 bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng nằm điều trị.
Trong khi đó, tại BV Nhi đồng I, theo bác sĩ Tăng Chí Thượng – Giám đốc BV thì: “Trong số 5.000 bệnh nhi đến khám/ngày, nhiều nhất là các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và các bệnh về da”. Theo đó, các khoa Tiêu hóa, Hô hấp đều quá tải. Dẫn đến tình trạng 2 bệnh nhi phải nằm 1 giường, nhiều bệnh nhi nằm tràn ra hành lang…
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều bệnh nhi mắc bệnh về đường tiêu hóa, bác sĩ Thượng cho biết: Do trời nắng, trẻ khát nước nhiều nên không ít em (nhất là học sinh tiểu học, THCS) đã uống đủ thứ nước giải khát không hợp vệ sinh được bày bán trước cổng trường. Hậu quả là nhiều em bị rối loạn tiêu hóa. Hiện tại, mỗi ngày Khoa Tiêu hóa của BV tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhi nội trú.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – BV Nhi đồng II cũng cho biết: Bệnh hô hấp phổ biến nhất là viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Biểu hiện của bệnh là ho kéo dài, sốt cao. Nếu phụ huynh chủ quan không đưa trẻ đi khám dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, viêm phổi…
Trường học: Nhiều trẻ phải đem theo thuốc

Hành lang BV Nhi đồng I, bệnh nhi và thân nhân nằm ngồi la liệt

Mấy hôm nay, bé Ngọc có phần biếng ăn, hay quấy khóc vào buổi tối, người hâm hấp nóng. Biết con bệnh nhưng chị Nguyệt (đường Trần Kế Xương, Q.Bình Thạnh) không thể cho con nghỉ học vì không có ai trông. Bởi vậy, sáng nào đưa bé tới Trường Mầm non 3 (Q.Bình Thạnh), chị cũng phải đem theo một bịch thuốc. “Thuốc được phân ra từng liều rồi gửi cho cô giáo, đến giờ cô sẽ cho uống. Không chỉ con mình mà nhiều bé trong lớp cũng bị bệnh, cha mẹ các bé phải gửi thuốc vào trường”, chị Nguyệt cho biết.
Tại Trường Mầm non Thành phố, trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 10 bé phải gửi thuốc cho cán bộ y tế học đường nhưng mấy bữa nay thời tiết nắng nóng con số này đã tăng gấp đôi. Lác đác một vài lớp còn có trẻ nghỉ học…
Ngày 22-4, khi chúng tôi đề cập đến vấn đề trẻ bệnh do thời tiết nắng nóng, cô Tôn Nữ Thị Kim Anh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 cho biết: “Cô còn bệnh huống hồ là cháu, chị cũng đang sụt sịt đây”.
Theo cô Kim Anh thì so với trước đây, số cháu bị bệnh nghỉ học và số cháu phải đem thuốc vào trường tăng đáng kể. Trường có 17 lớp nhưng chỉ có vài lớp không có trẻ bệnh. Những lớp có trẻ bệnh, lớp nào ít thì 2 – 3 bé, lớp nhiều lên đến cả chục bé.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng I khuyên: “Thời tiết nắng nóng, để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh không nên cho trẻ sử dụng máy lạnh, quạt quá nhiều. Trẻ vừa đi ngoài đường không nên cho ngay vào phòng máy lạnh nghỉ vì cơ thể non yếu không kịp thích ứng, dễ làm trẻ ngã bệnh. Khi trẻ đang đổ mồ hôi nhiều không nên cho ngồi trước quạt thổi quá mạnh, hoặc vào phòng máy lạnh, trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Phụ huynh nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát, vệ sinh da sạch sẽ…”.
“Những trẻ bệnh, gia đình nào có ông bà hay người giúp việc thì nghỉ học. Còn những gia đình cha mẹ đi làm, không có người trông thì trẻ vẫn phải đi học nhưng mang theo thuốc vào trường. Thuốc được gửi ở phòng y tế, ghi rõ tên trẻ – lớp, đến giờ cán bộ y tế sẽ đem tới từng lớp và cho trẻ uống. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nặng thì phải báo gấp cho phụ huynh tới đón về”, cô Kim Anh cho biết thêm.
Để phòng bệnh cho học sinh, những ngày này ở nhiều trường mầm non, trường tiểu học có bếp ăn tập thể đã chế biến những món ăn mát như chè, nước ép trái cây, nước sâm cho học sinh ăn, uống.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường do sân chơi thiếu bóng mát nên đã để học sinh chơi dưới nắng. Khoảng 10 giờ ngày 22-4, tại Trường Mầm non Đồng Xanh (huyện Nhà Bè), một cô giáo và gần 20 học sinh 4 – 5 tuổi đã chơi trò bịt mắt bắt dê giữa sân trường nắng chang chang.
Về vấn đề này, bác sĩ Tăng Chí Thượng cho rằng: “Trời nắng nóng cần hạn chế cho trẻ chạy nhảy bên ngoài, cho trẻ uống nhiều nước để tránh tình trạng cơ thể thiếu nước, dễ ngã bệnh”.
Bài & ảnh: Hòa Triều

 

Bình luận (0)