Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 đánh dấu sự bế tắc thảm hại của nhiều trường ĐH trong khâu tuyển sinh. Sau nhiều năm điều chỉnh, giải pháp chuẩn cho công tác tuyển sinh dường như vẫn chưa có. Bộ GD&ĐT vẫn luẩn quẩn với giao quyền tự chủ, 3 chung, điểm sàn, chạy đua theo số lượng trường ĐH cần phải thành lập, lượng sinh viên tối thiểu/1 vạn dân… mà quên mất rằng: bỏ ngỏ chất lượng ĐH sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ cho xã hội.
Hướng đến đầu ra ĐH đáp ứng yêu cầu xã hội thì phải chú trọng chất lượng, thanh lọc những cơ sở yếu kém
Thu hút… mất thiêng, trường điêu đứng
Dấu ấn trong tuyển sinh năm nay là sự phân hoá rõ rệt giữa ĐH ngoài công lập và ĐH công lập. Trường ĐH ngoài công lập phải tự túc, tự thu chi, không được hưởng nguồn ngân sách như ĐH công lập; không được hưởng những "đặc ân”, sự ưu tiên cao như công lập. Phải tự gồng mình, ĐH ngoài công lập sẽ phát triển mạnh nếu có tiềm lực tốt, nguồn kinh phí hoạt động dồi dào, đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, thiết bị giảng dạy tốt, lực lượng giảng viên hùng hậu, ắt sẽ tạo sức bật mạnh mẽ, phát triển đôi khi còn vươn xa hơn công lập về quy mô và chất lượng. Nhưng số lượng những trường này có hạn và ít nhiều bị ràng buộc bởi yếu tố kinh tế, lợi nhuận, học phí quá cao. Một bộ phận khác ĐH ngoài công lập (chiếm số đông), yếu về tiềm lực, mỏng về kinh phí hoạt động, chưa xây dựng được thương hiệu, kém thu hút thí sinh, nên không thể chạy đua kịp khối ĐH công lập trong mỗi mùa tuyển sinh.
Để giải quyết thực trạng này, các trường ĐH ngoài công lập yếu về thương hiệu đành tung ra các chiêu thu hút thí sinh, bao hàm sự PR, quảng cáo, "khuyến mãi”, ưu tiên, tặng tiền, tặng hiện vật… Mục đích "vơ bèo, vạt tép”, miễn sao cho đủ chỉ tiêu, hoặc tuyển cho có để không bị xử lý theo quy chế đóng cửa hoàn toàn vì 3 năm không tuyển được thí sinh. Mùa tuyển sinh năm 2011 cũng ghi nhận sự thăng trầm của các ngành học: đầu mùa tuyển sinh thì Bộ cho đăng ký mở ngành ồ ạt, cuối mùa tuyển sinh thì hàng loạt ngành đóng cửa. Điệp khúc mở-đóng diễn ra liên tục trong hai năm qua cũng bởi trường ĐH được thành lập quá tràn lan. Ngành học cũng mở vô tội vạ, nặng về xu hướng đa ngành. Trường ĐH truyền thống cũng phải đa ngành nếu không muốn bị tụt hậu, mất thị phần, doanh thu. Giữa mê cung tràn lan trường ĐH, các chiêu PR thu hút thí sinh cũng tỏ ra… mất thiêng. Người học thời lạm phát trở nên cân nhắc lựa chọn ngành nghề, không còn xu hướng học bừa cho có tấm bằng ĐH để rồi ra trường thì thất nghiệp.
Kết thúc đợt tuyển sinh ĐH-CĐ 2011, có quá nhiều trường ĐH (có cả công lập) phải ngậm ngùi đóng cửa ngành. ĐH Đà Lạt với 1.500 chỉ tiêu NV3, nhưng chỉ tuyển được 167 thí sinh, 4 ngành học buộc phải đóng cửa; sinh viên trúng tuyển các ngành đó phải chuyển sang ngành khác cùng khối thi. Đến như ĐH Đà Nẵng cũng buộc đóng cửa hai ngành sư phạm giáo dục chính trị và văn hóa học bởi NV3 lấy 193 chỉ tiêu, nhưng chỉ có 22 hồ sơ dự tuyển. Các trường ĐH địa phương cơ bản không thể tuyển đủ chỉ tiêu, ĐH Đồng Tháp đóng cửa 4 ngành học, ĐH An Giang đóng cửa 3 ngành học. Hàng loạt trường ĐH khác có đào tạo yếu tố sư phạm, khoa học xã hội-nhân văn thì còn thê thảm hơn, phần đông phải đóng cửa, nhập ngành, chuyển đổi hình thức đào tạo…
Xé rào để tránh bị đào thải: Chất lượng về đâu?
Việc các trường ĐH xé rào quy chế đã xảy ra quá nhiều. Xé rào để tuyển sinh, chấp nhận chịu phạt; xé rào để tồn tại, dù là lay lắt. Theo quy chế, trường nào 3 năm liên tiếp không tuyển sinh được sẽ đình chỉ hoặc thậm chí đề xuất để thu hồi quyết định thành lập. Nhưng chưa có bất cứ một trường ĐH nào bị thu hồi quyết định. Mà lẽ ra, với hoạt động đào tạo khá "thoi thóp” của một số trường sẽ phải đình chỉ chấm dứt hoạt động, thanh lọc khỏi hệ thống đào tạo ĐH từ lâu. Tuy nhiên, thẩm quyền này phải thuộc về Thủ tướng; Bộ GD&ĐT chỉ có chức năng quản lý ngành theo quy chế, giám sát điều phối các hoạt động. Khi các trường xé rào để tồn tại, Bộ chỉ còn mỗi biện pháp phạt theo quy định.
Điều này chứng tỏ bất cập trong phân quyền, cũng như sự quản lý của Bộ GD&ĐT còn nhiều bất cập. Khi chất lượng ĐH bị bỏ ngỏ, sao nhãng, bất hợp lý trong đào tạo, tính thích ứng trong xu thế phát triển của xã hội không cao, sẽ rất dễ dẫn đến thoái trào, hổng về quản lý. Đó sẽ là gánh nặng cho xã hội sau này, xuất phát từ mục tiêu phát triển vội vàng, chạy theo số lượng mà xem nhẹ chất lượng đầu ra. Thời gian qua, một số địa phương tuyển dụng công chức, đã thẳng thắn từ chối hệ ĐH tại chức (Đà Nẵng); loại các ứng viên tốt nghiệp ĐH dân lập, tư thục (Nam Định); không tuyển ứng viên tốt nghiệp ĐH Giáo dục, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN (Vĩnh Phúc) đã gây xôn xao dư luận. Dù đúng hay sai, đó cũng là sự phản ứng khác tự nhiên của các địa phương trước chất lượng đào tạo ĐH. Một trong những yếu tố mà Bộ GD&ĐT không thể xem nhẹ, bỏ qua. Có lẽ, đã đến lúc phải tạm dừng việc mở trường ĐH tràn lan, kiện toàn lại yếu tố chất lượng, đào tạo đầu ra. Vì môi trường ĐH yếu kém nếu không có sự chấn chỉnh, thanh lọc, thì khó đào tạo cho xã hội thế hệ sinh viên chất lượng cao. Hệ lụỵ tiếp theo sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, làm trì trệ sự phát triển của đất nước.
Theo Nguyệt Sinh
(daidoanket)
Bình luận (0)