Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đồng Nai: Xây dựng thương hiệu cho rau rừng

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ý tưởng đưa các loại rau rừng về trồng để phục vụ các cựu chiến binh, khách du lịch khi về thăm lại chiến khu Đ, hơn 1 năm qua, gần 10 loại rau rừng đã được các nhân viên của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) tìm kiếm và trồng thành công trong vườn ươm của khu bảo tồn.
Đến nay, “đặc sản rau rừng” không những giành được sự quan tâm đặc biệt của du khách khi đến với khu di tích, mà còn được các nhà hàng có tên tuổi ở Biên Hòa đặt hàng và hơn thế, rau rừng Chiến khu Đ đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để có mặt tại các siêu thị, xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
Chiến khu D
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn rau có diện tích 0,5ha, ông Đặng Công Lý tỏ ra phấn khích khi kể về nguồn gốc, tác dụng của các loại rau. Ông Lý là người đã gắn bó với chiến khu Đ hơn 20 năm, ông quen với tất cả những cây trái, muông thú trong vùng chiến khu. Ông kể: Hàng chục năm qua tôi cũng như biết bao người dân nơi này chỉ sống bằng rau rừng, chúng tôi ăn quen rồi nên không thể đánh giá được. Trưa nay mời các chú ở lại dùng cơm, chắc chắn mọi người sẽ bị rau rừng chinh phục. Theo chân ông Lý chúng tôi được biết nhiều loại rau rừng như, rau bìm bịp, rau lá bướm, rau chùm bao… Các loại rau này dùng nấu canh với tôm, thịt bằm hoặc ăn cùng với lẩu.
Khi chúng tôi thắc mắc về tên và công dụng của các loại rau ông Lý giải thích: Sở dĩ gọi rau bìm bịp bởi theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc sống quanh đây, cũng như những người già ở vùng Đông Nam bộ, khi bìm bịp con mới nở, người ta bẻ gãy chân, khi đó chim mẹ cắn lá cây này về đắp cho chim con, một thời gian sau chim con sẽ lành xương. Theo y học cổ truyền, rau này có tác dụng chữa bệnh gút, giảm đau, hạ sốt. Chúng tôi ở đây dùng rau này để nấu canh với tôm khô, ăn ngon đến ngẩn ngơ đấy chú ạ. Chỉ vào 1 loại rau ông Lý tiếp lời: Đây là rau chùm bao hay còn gọi là lạc tiên, nhãn lồng, long châu. Người ở vùng này lấy rau chùm bao để xào hoặc nấu canh, ngoài ra rau này còn được dùng trong y học, bởi dân gian sử dụng dây và lá sắc uống làm thuốc an thần chữa mất ngủ. Theo sách Trung dược đại từ điển, quả lạc tiên (long châu quả) vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dùng chữa ho do phế nhiệt, phù thũng, giã đắp chữa ung nhọt lở loét ở chân. Làm giãn và chống co thắt nên chữa được các chứng đau do co thắt đường tiêu hóa, tử cung.
Những loại rau được trồng tại đây đều đã được bộ đội, dân công hỏa tuyến sử dụng làm rau xanh ăn hàng ngày trong 2 cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, nếu trước đây các loại rau này mọc tràn lan trong rừng như cỏ dại, thì nay đã được trồng và chăm bón kỹ càng. Vườn rau xanh mướt là vậy, tuy nhiên do là loại cây phát triển ngoài tự nhiên nên có sức đề kháng rất tốt với sâu bệnh. Những người trồng và chăm sóc ở đây ai cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột: Rau không phun xịt bất kỳ một loại hóa chất, thuốc trừ sâu nào. Hiện du khách khi đến với Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, ai cũng háo hức đi tham quan vườn trồng rau rừng và mọi người khi đã đến, đều mang rau về làm quà. Kỹ sư Trịnh Đức Phong, Quản đốc vườn ươm khu bảo tồn cho biết: Rau rừng ở Vĩnh Cửu được bán với giá từ 40 đến 80 ngàn đồng/kg tùy loại. Thương lái cũng lùng mua nhiều loại rau rừng đưa về TP.Hồ Chí Minh cung cấp cho các nhà hàng làm món ăn đặc sản. Tuy nhiên vì diện tích ít, nên thời gian qua chúng tôi chỉ bán nhỏ giọt ra thị trường. Qua một năm trồng thử nghiệm, rau rừng cho thu hoạch nhanh, phát triển tốt quanh năm, vì thế Ban giám đốc đang tính đến phương án mở rộng diện tích trồng rau lên 20 ha.
Nhằm phổ biến hơn nữa các loại rau rừng, vừa qua Trung tâm sinh thái văn hóa lịch sử chiến khu Đ (thuộc Khu bảo tồn) đã đưa mẫu rau bìm bịp đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) để phân tích những thành phần trong loại rau này. Anh Phong nói: Rau bìm bìm bịp còn có tên khoa học là Clinacanthus nutans Lindau. Qua phân tích, thành phần chất đạm, chất béo, chất xơ trong rau rất lớn. Đặc biệt hàm lượng canxi chiếm tới 147mg/100g. Từ kết quả này, trung tâm đã liên kết với Khoa dược lý của Trường đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, phân tích các thành phần trong rau bìm bịp, nhằm đưa loại cây này trở thành 1 dược liệu quý. Hiện khu bảo tồn đã xây dựng 1 quy trình sản xuất rau, củ rừng và đang triển khai những vườn giống có chất lượng cao. Đất và nước ở đây cũng đã đưa đi xét nghiệm và đạt chuẩn, nên sắp tới chúng tôi có thể triển khai chương trình trồng rau sạch. Thời gian tới, trung tâm sẽ đưa những loại rau như: lá bướm, tàu bay, chùm ngây và rau nhíp đi xét nghiệm các thành phần dinh dưỡng để hoàn tất thủ tục đưa các loại rau này vào siêu thị.
Kỹ sư Phong chia sẻ: Các loại rau rừng đã được con người sử dụng từ nhiều đời nay, thực tế chứng minh đó là những món ăn ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên hiện chưa có một kết quả khoa học nào chứng minh giá trị của rau rừng, vì vậy khi có kết quả phân tích chúng tôi sẽ từng bước xây dựng thương hiệu, đưa rau rừng chiến khu Đ không những vào các siêu thị mà còn xuất khẩu ra các nước khác.
Theo lãnh đạo khu bảo tồn, khi xây dựng được thương hiệu Trung tâm sinh thái văn hóa lịch sử chiến khu Đ sẽ chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ người dân sinh sống trong vùng phát triển kinh tế bằng loại rau này. Có thêm nghề trồng rau, đời sống kinh tế của người dân nơi đây sẽ từng bước đi lên, qua đó giảm sức ép đối với việc bảo vệ rừng.
Theo Công Phong
(tintuc)

Bình luận (0)