Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu trong chín tháng đầu năm nay đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Thế nhưng, tại cuộc họp giao ban xuất khẩu chín tháng đầu năm 2011 do bộ Công thương tổ chức sáng 11/10 tại TP.HCM, đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng, cũng như giám đốc doanh nghiệp lại cho rằng, lợi nhuận xuất khẩu không tương xứng với doanh số xuất khẩu…
Cạnh tranh, giá xuất khẩu giảm, thì người công nhân càng ít có cơ hội được tăng lương. Ảnh: Lê Quang Nhật
Năm ngoái, doanh số xuất khẩu chín tháng của công ty cổ phần thuỷ sản và thương mại Thuận Phước, Đà Nẵng tuy không tăng, nhưng lợi nhuận thu về vẫn đảm bảo trả cổ tức trước 20% cho cổ đông, còn năm nay, do lợi nhuận đạt không đáng kể nên việc trả cổ tức vẫn bị “treo” lại.
“Huề vốn là may”
Kế hoạch doanh thu cả năm của Thuận Phước cán đích 51 triệu USD sau chín tháng, tăng 30% xét về giá trị. Trong bối cảnh sản xuất gặp nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh như vậy được cho là khá ấn tượng.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc công ty thừa nhận lợi nhuận thu được không đáng kể nếu không nói là huề vốn.
Thuận Phước chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp thuỷ sản, lúa gạo, điều, càphê, cao su, gỗ hay dệt may đang gặp cảnh doanh số tăng, lợi nhuận giảm, thậm chí có đơn vị hoà hoặc lỗ vốn.
Đại diện một số ngành hàng trong cuộc họp giao ban xuất khẩu sáng qua còn cho biết, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đặt trọng tâm giảm lỗ là chính.
Trong ngành thuỷ sản, tuy giá trị kim ngạch chín tháng tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 4,41 tỉ USD nhưng có nhiều đơn vị đang gặp khó khăn, bỏ đơn hàng.
Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nói: “Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang đối mặt với thua lỗ, bỏ đơn hàng ngay trong thời điểm thị trường đang tốt”.
Ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho rằng, chín tháng đầu năm nay, mặc dù xuất khẩu gạo tăng 23,71%, đạt 2,816 tỉ USD, nhưng số doanh nghiệp có lợi nhuận là không đáng kể, chủ yếu huề và thua lỗ.
Phát biểu tại cuộc họp, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận đạt thấp là do giá đơn hàng xuất khẩu tăng không kịp so với chi phí đầu vào.
Ông Đặng Hoàng Giang, tổng thư ký hiệp hội Điều Việt Nam, nêu thực tế, giá xuất khẩu bình quân chín tháng đạt 8.200 USD/tấn, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2010, nhưng giá nguyên liệu tăng 1,8 – 2 lần, lãi suất tăng lên 22 – 24%, lương công nhân, điện, nước… thứ gì cũng cao hơn năm trước.
Ông Nguyễn Công Hoàng, phó tổng giám đốc tổng công ty Càphê Việt Nam thì khẳng định, tỷ suất lợi nhuận kinh doanh mặt hàng nông sản chỉ đạt tối đa trung bình 15%/năm, trong khi riêng tiền lãi vốn vay ngân hàng của năm nay đã lên tới 23 – 24% thì xem như doanh nghiệp làm không công.
Thay đổi cách bán hàng
Hầu hết doanh nghiệp tham gia hội nghị đều mong muốn các ngân hàng cần thực hiện giải ngân ngay với lãi suất 17 – 19%/ năm như đã cam kết dành cho đối tượng tham gia xuất khẩu.
Ông Đặng Hoàng Giang nêu thực tế của ngành điều: chỉ vì cần tiền đáo hạn ngân hàng vào thời điểm tháng 9/2011 mà trước đó có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực Bình Phước phải ồ ạt bán điều dưới giá thành, gây nên cú sốc giảm giá rất mạnh trong tháng 7 và 8. “Trước tháng 7, giá nhân điều xuất khẩu trên dưới 10.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn trên 8.000 đồng”, ông Giang nói.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng, trong vòng khoảng một năm trở lại đây, giá nguyên liệu tăng rất mạnh, hiện nay để mua 1 tấn càphê cần số vốn 50 – 60 triệu đồng, nhưng đa số doanh nghiệp Việt Nam đều yếu vốn. Muốn tạm trữ số lượng lớn hàng để giữ giá ổn định thì không còn cách nào khác là ngân hàng phải linh động định mức vay, đáp ứng đủ vốn để doanh nghiệp mua nguyên liệu.
Để đạt kế hoạch xuất khẩu quý 4 mỗi tháng khoảng 8 tỉ USD, mỗi ngành hàng cần phải có chính sách đột phá trong hoạt động xuất khẩu. Ông Trần Quốc Mạnh, phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho rằng, đây đang là giai đoạn mà doanh nghiệp rất dễ bị đổ vỡ nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ kịp thời. Biện pháp trước mắt, theo ông Mạnh, Nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn nữa hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại.
“Chúng ta phải thay đổi căn bản cách xúc tiến thương mại. Phải đưa sản phẩm tới người tiêu dùng chứ không thể ngồi nhà chờ khách hàng đến mua”, ông Mạnh đề nghị. Ngoài ra, ông Mạnh cũng đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp lập kho ngoại quan ngay tại nước ngoài trữ hàng để tránh bị động khi điều tiết ra thị trường những lúc có nhu cầu.
Theo Hoàng Bảy (SGTT)
Bình luận (0)