Mua bán, sáp nhập những ngân hàng nhỏ, hoạt động kém hiệu quả; điều chỉnh lại cơ cấu sở hữu cổ đông; quy chuẩn hệ thống quản trị rủi ro… Tất cả những biện pháp cần thiết sẽ được xem xét, thực hiện nhằm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại.
Cùng tái cấu trúc đầu tư công gắn với nợ công; doanh nghiệp nhà nước; thể chế, nhiệm vụ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại được hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.
Ngân hàng Nhà nước đã cho phép ABBank tăng vốn điều lệ từ 3.800 tỉ đồng lên 4.200 tỉ đồng. Ảnh: Lê Quang Nhật
Không đợi “mất bò mới lo làm chuồng”
Phó viện trưởng viện Chiến lược phát triển ngân hàng, ngân hàng Nhà nước (NHNN) Vũ Ngọc Duy cho rằng, đến thời điểm này, chưa có ngân hàng nào rơi vào diện kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ đổ vỡ. Mặc dù vậy, yêu cầu phải tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng vẫn là cần thiết, bởi không nên để “mất bò mới lo làm chuồng”. Tái cấu trúc cũng cần thực hiện theo lộ trình, với rất nhiều biện pháp cần triển khai, trong đó việc mua bán, sáp nhập những ngân hàng kém hiệu quả cũng là cần thiết. “Có nhiều ngân hàng, khách hàng có nhiều sự lựa chọn, buộc các đơn vị phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng có quá nhiều ngân hàng như hiện nay, sẽ là một sự lãng phí rất lớn các nguồn lực xã hội”, ông Duy nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có hội sở chính tại Hà Nội nhận xét, có quá nhiều ngân hàng dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Cũng theo ông, bức tranh chung về hoạt động ngân hàng, nhìn bề nổi qua các báo cáo tài chính thì khá sáng sủa với những khoản lợi nhuận ấn tượng. Nhưng nếu phân tích kỹ hơn, nhiều ngân hàng đang nơm nớp lo khi tỷ lệ nợ xấu ở mức cao và có xu hướng gia tăng từ nay đến cuối năm. Phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa xác nhận, nợ xấu khu vực ngân hàng đang tiếp tục tăng, trong đó nợ nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm gần một nửa (47%). Thậm chí, một số ngân hàng, khoản nợ xấu đã vượt quá vốn chủ sở hữu và rất hẹp cơ hội cải thiện khi mà tỷ lệ các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, phá sản đang tăng lên. “Do vậy, tái cấu trúc hệ thông ngân hàng là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo chánh thanh tra giám sát NHNN Dương Quốc Anh, đến thời điểm này, hầu hết ngân hàng thương mại trong diện phải tăng vốn lên tối thiểu 3.000 tỉ đồng (được lùi thời điểm thực hiện từ 31.12.2010 đến 31.12.2011) đã cơ bản hoàn thành mục tiêu (một vài trường hợp chỉ còn vấn đề về thủ tục). |
Sàng lọc ngân hàng yếu kém
Một lãnh đạo cấp vụ của NHNN cho biết, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã định hướng cho các vụ, cục liên quan nhiệm vụ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Đến thời điểm này, mặc dù kế hoạch cụ thể vẫn đang được xây dựng và chưa được tiết lộ, song chỉ đạo của thống đốc sẽ là rất kiên quyết, trong đó việc mua bán, sáp nhập các ngân hàng nhỏ, yếu kém sẽ được xem xét.
Việc NHNN vừa qua thông tin rất nhanh chóng, công khai những ngân hàng vi phạm quy định về trần lãi suất huy động cùng với các biện pháp xử lý nghiêm khắc cũng được đánh giá là một động thái kiên quyết – rất khác với tư duy lâu nay “ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, nên việc thông tin cần chừng mực”!
Ông Vũ Ngọc Duy lưu ý, việc sàng lọc, sáp nhập nếu có không chỉ xét theo tiêu chí quy mô, mà quan trọng nhất là tiêu chí hiệu quả. “Trên thực tế hiện nay, nhiều ngân hàng quy mô “hạng trung” nhưng xét về tỷ suất lợi nhuận cũng như các chỉ số tài chính, an toàn đều vượt xa những ngân hàng được xem là “cây đa, cây đề”, ông Duy nói.
Là người nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý ngân hàng, ông Kiều Hữu Dũng, cho rằng, NHNN nên lưu ý các ngân hàng có cổ đông lớn là các tập đoàn, doanh nghiệp. Chính tình trạng cho vay cổ đông (điều kiện được nới lỏng) là một trong những nguyên nhân làm tăng nợ xấu cho các ngân hàng này. Nợ không trả được, thanh khoản ngân hàng gặp khó khăn, họ buộc phải tìm mọi cách nâng lãi suất huy động để vớ víu vốn, châm ngòi cho những cuộc đua tăng lãi suất huy động, kéo theo nhiều hệ luỵ cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Thảo Nguyễn/ DNSG
Bình luận (0)