Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tìm giải pháp bảo vệ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 3-11, UBND tỉnh Đắc Lắc đã tổ chức hội thảo “Bảo vệ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột”.

Hội thảo đã khẳng định biện pháp bảo vệ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tốt nhất là khởi kiện đòi hủy bỏ 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký tại Trung Quốc và sắp tới sẽ đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cà phê Buôn Ma Thuột ra những nước xuất khẩu cà phê trọng điểm.

Thu hoạch cà phê tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc. Ảnh: T.T.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết: “Việc nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của chúng ta bị một doanh nghiệp đăng ký tại Trung Quốc là hiện tượng thường xảy ra trên thế giới.

Theo thông tin chúng tôi có được, Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu có địa chỉ tại số 1903-1905 Quảng trường Hợp Nhuận, đường Đại Nam, TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đăng ký hai nhãn hiệu: “BUON MA THUOT và các Hán tự” có hiệu lực từ 14-11-2010 đến 13-11-2020 và “BUON MA THUOT COFFEE 1986 và logo” có hiệu lực từ 14-6-2011 đến 13-6-2021.

Như vậy, việc đăng ký thành công nhãn hiệu có chứa dấu hiệu CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột nêu trên của Công ty TNHH Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi nhà sản xuất/kinh doanh sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột khi chúng ta xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc”.

UBND tỉnh Đắc Lắc cũng cho biết đã ủy quyền cho Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột thay mặt tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột và chọn Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh (trụ sở tại Hà Nội) để làm chủ đơn khởi kiện hủy bỏ 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký tại Trung Quốc.

Ông Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh, cho biết: “Hiện văn phòng chúng tôi đang thu thập hồ sơ để củng cố chứng cứ pháp lý. Khoảng một tuần nữa chúng tôi sẽ nhờ văn phòng luật sư ở Bắc Kinh (Trung Quốc) viết thư cho Công ty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu để thương lượng hủy bỏ 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột họ đã đăng ký tại Trung Quốc. Nếu họ đòi kinh phí thấp hơn 8.000USD, chúng tôi sẽ chấp thuận giải quyết bằng con đường này. Còn nếu họ đòi phí cao hơn mức đó, chúng tôi sẽ khởi kiện”.

CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ bảo hộ độc quyền cho tỉnh Đắc Lắc vào năm 2005, nhưng hiện nó chưa được đăng ký ra nước ngoài.

Trong khi đó, vùng địa danh cà phê Buôn Ma Thuột có diện tích lên tới 100.000ha và nằm ở 8 huyện, thị trong tỉnh. Mãi đến tận tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột mới cấp quyền sử dụng cho 8 doanh nghiệp với tổng diện tích 8.852ha và sản lượng hàng năm khoảng 26.000 tấn. Vì thế, theo các đại biểu dự hội nghị, biện pháp bảo vệ lâu dài cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột là phải đăng ký CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài.

C.Hoan (SGGP)

Bình luận (0)