Tại một số vùng nông thôn ĐBSCL, thương lái đang đổ xô thu mua ốc bươu vàng với giá cao để xuất khẩu. Nhiều người lo ngại việc này sẽ làm phát sinh tình trạng nuôi giữ ốc bươu vàng vì hám lời, đe dọa mùa màng.
Đổ xô đi bắt ốc
Những ngày qua, tại các huyện Long Mỹ, Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) ở đâu cũng gặp người dân đi bắt ốc bươu vàng về bán. Từ là thứ bỏ đi, phải tốn tiền mua thuốc tận diệt thì mùa lũ năm nay ốc bươu vàng đột nhiên “sốt giá” và đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.
Ông Võ Văn Sáu ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hơn 1 tháng nay thương lái chạy ghe dọc theo bờ kênh xáng Nàng Mau 2 thu mua ốc bươu vàng đã lột vỏ với giá 12.000 – 14.000 đồng/kg. Quanh đây, gần như nhà nào cũng bơi xuồng đi vớt ốc bán. Cứ 5kg ốc vỏ lột được 1kg ốc thịt, tính ra mỗi ngày một người cũng kiếm được 50.000 – 100.000 đồng”. Từ trước đến nay, ốc bươu vàng vẫn được thu mua làm thức ăn cho cá, gà, vịt với giá rất rẻ, vào thời điểm này năm ngoái giá 1kg ốc thịt cũng cho khoảng 5.000 – 6.000 đồng, chưa bằng một nửa giá hiện nay.
Sơ chế ốc bươu vàng tại cơ sở ông Nguyễn Ngọc Ấm
(xã Long Phú, Long Mỹ, Hậu Giang).
Tại cơ sở thu mua và sơ chế ốc bươu vàng của ông Nguyễn Ngọc Ấm ở xã Long Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cả tháng nay lúc nào cũng nhộn nhịp với hơn 50 lao động được mướn để lột vỏ, sơ chế ốc. Mỗi ngày cơ sở của ông Ấm mua khoảng 8 tấn ốc bươu vàng. Sở dĩ ốc bươu vàng được giá là vì thương lái đổ xô đi mua để cung cấp cho các cơ sở sơ chế, xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan để làm thức ăn gia súc.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Long Phú, cho biết: “Việc bắt ốc bươu vàng được chính quyền địa phương khuyến khích vì vừa mang lại thu nhập cho người dân vừa tiêu diệt loài động vật phá hại mùa màng. Nhưng tình trạng này cũng đáng lo ngại vì không loại trừ khả năng người dân hám lợi nuôi và cho loại ốc này sinh sản”.
Cần kiểm soát ngay
Nhiều năm nay, nông dân ĐBSCL cũng như cả nước đã tốn nhiều tiền của để tiêu diệt ốc bươu vàng. Theo tính toán của ông Từ Bá Đạt, nông dân xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang: Cứ 1ha trồng lúa phải chi khoảng 600.000 đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ ốc bươu vàng.
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Năm nào cũng vậy, vào mùa nước nổi nông dân diệt ốc bươu vàng để vừa làm thức ăn cho gia súc, gia cầm vừa để tránh thiệt hại do loài sinh vật này gây ra trong vụ lúa đông – xuân. Tuy nhiên, việc thương lái thu mua ốc bươu vàng để xuất khẩu sang Trung Quốc thì cầm xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng, nếu không sẽ gánh lấy hậu quả như trước đây”.
Hiện Hậu Giang đang tiến hành rà soát các điểm thu mua và đầu ra của các cơ sở thu mua để có biện pháp quản lý, tránh tình trạng nông dân thấy giá cao lại đem ốc bươu vàng ươm, nuôi.
Tại An Giang, Đồng Tháp hiện chưa rộ lên tình trạng thương lái đổ xô mua ốc bươu vàng nhưng ngành nông nghiệp các địa phương này cũng đã khuyến cáo người dân tuyệt đối không được nuôi, cho sinh sản loại ốc gây hại trên.
Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết, tại An Giang, người dân bắt ốc bươu vàng cũng khá nhiều nhưng chủ yếu bán cho các cơ sở nuôi thủy sản làm thức ăn. Tuy nhiên trước thông tin thương lái đổ xô đi mua ốc bươu vàng ở những nơi khác, địa phương sẽ cho rà soát lại để ngăn chặn ngay từ đầu.
Đã có nhiều bài học trả giá đắt cho việc ồ ạt thu mua, ồ ạt nuôi trồng một mặt hàng nông sản. Trước đây, đã có thời điểm người dân một số địa phương đi cắt trộm móng trâu, bắt mèo, thu mua râu bắp non hay chặt trộm cây sưa… bán cho thương lái Trung Quốc gây ra những hậu quả khó lường.
Để tránh những vết xe đổ trên, ngay từ bây giờ ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cần triển khai ngay các biện pháp hữu hiệu tránh những thiệt hại mùa màng không đáng có.
ĐÌNH TUYỂN (SGGP)
Bình luận (0)