Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Năm nay, doanh nghiệp nên “đánh nhỏ, thắng nhỏ”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành dệt may, đồ gỗ, hàng điện tử dân dụng và vật liệu xây dựng sẽ khó khăn.
Hiện nay doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với những thách thức bởi lạm phát cao, lãi suất chưa giảm, thị trường chứng khoán hạ xuống mức kỷ lục, bất động sản đóng băng… Vậy DN cần phải làm gì để vượt qua thời kỳ khủng hoảng? Diễn đàn kinh tế ACCA (Hiệp hội Kế toán công chứng Anh) nhìn nhận những thách thức và cơ hội của nền kinh tế VN trong năm 2012.
Chủ động tìm vốn
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, nhấn mạnh: “Vấn đề của DN là nguồn vốn. Bởi vậy, DN phải chuẩn bị cho mình các tình huống để chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn vốn chứ không nên trông chờ vào ngân hàng. Trong trường hợp đã sử dụng hết mọi kênh từ phía ngân hàng, DN có thể nghĩ đến các hình thức huy động khác như trái phiếu DN, trái phiếu chuyển đổi… Hoặc DN có thể phát triển thêm nhiều sản phẩm đa dạng và hữu dụng hơn. Người tiêu dùng sẽ có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp, khi sản phẩm được bán ra thì thanh khoản sẽ tốt hơn”.
Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc phòng Kinh doanh vốn và ngoại tệ HSBC, cũng khẳng định rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của DNlà vốn. Theo ông Hải, năm nay không phải là năm để các DN phát triển “bành trướng” mà nên chú ý đến chất lượng. DN chỉ cần thanh khoản tốt để tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên, trong cái khó lại có cái may, DN có thể tận dụng cơ hội đầu tư từ việc mua bán, sáp nhập ngân hàng.
Bên cạnh đó, theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trước tình hình diễn biến phức tạp từ kinh tế thế giới và lạm phát cao ở nước ta, DN nên dồn sức để hoàn thành sớm những dự án của mình. Bởi nếu để càng lâu, DN càng phải chịu sức ép và rủi ro về tỉ giá. “Chỉ nên đánh nhỏ để thắng nhỏ trong năm nay mà thôi” – TS Lê Đăng Doanh nói.
Ngành dệt may sẽ gặp khó khăn rất nhiều vì đến nay vẫn còn ít đơn đặt hàng. Trong ảnh: Chọn lựa quần áo xuất khẩu tại hội chợ ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Cơ hội cho lương thực, tiêu dùng
Vậy trong năm nay, ngành nào sẽ gặp khó khăn nhất và ngành nào sẽ thực sự phục hồi? Theo ông Hải, các giải pháp kinh tế đang đi đúng hướng nhưng chúng ta vẫn chịu nhiều sức ép từ nền kinh tế thế giới. Vì thế kinh tế trong nước chỉ có thể phục hồi vào quý III của năm nay. Trong đó cơ hội lớn cho các ngành như y tế, giáo dục, thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn phát triển.
TS Lê Đăng Doanh lưu ý: Ngành dệt may sẽ gặp khó khăn rất nhiều. Bởi cho đến nay các DN ở lĩnh vực này chỉ mới có đơn đặt hàng đến quý II. Trong khi đó, bằng thời điểm năm ngoái đã có 80% DN có đủ đơn đặt hàng cho đến hết năm. Ngoài ra, đồ gỗ, hàng điện tử dân dụng và vật liệu xây dựng mà trong đó đặc biệt là xi măng cũng sẽ khó khăn. Hiện hàng tồn kho của các mặt hàng này rất nhiều, xi măng tồn kho tới 2 triệu tấn. “Vấn đề còn lại là việc tái cấu trúc phải mạnh mẽ và đồng bộ. Tuy nhiên, theo tôi, không chỉ tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc DN… mà còn phải tái cấu trúc bộ máy nhà nước. Giải quyết vấn đề tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí và những thói hư tật xấu mà người dân đã nêu lên. Chúng ta cần học bài học quá khứ, phát huy sức mạnh của dân chứ không chỉ dựa vào tập đoàn lớn” – ông Doanh khẳng định.
Dự báo tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may năm 2012 sẽ chỉ bằng 1/3 so với năm 2011.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)
Vốn tư nhân hiện nay có nhưng nhiều DN không dám đầu tư vì thị trường rủi ro cao, lãi suất cao, sức mua yếu. Nếu giảm được lạm phát mới giảm được lãi suất ngân hàng. Thì lúc ấy tôi tin người dân mới dám đầu tư. Vì thế nên chuyển số vốn đã đầu tư từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân. Cũng với số vốn ấy, khu vực tư nhân đem lại lợi nhuận cao hơn so với khu vực Nhà nước.
TSLÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
YÊN TRANG
Theo Pháp Luật

Bình luận (0)