Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Gia Lai: Người trồng mía nguyên liệu bị ngăn sông cấm chợ

Tạp Chí Giáo Dục

Người trồng mía ở các huyện thị phía đông – nam Gia Lai kêu trời bởi không thể chở mía đến các nhà máy khác bán mà chỉ được bán cho Nhà máy đường Ayunpa và xe chở mía đến đây vô tư quá khổ quá tải. Trường hợp chở quá khổ đi nơi khác bán sẽ bị xử lý.

Xe chở mía vào Nhà máy đường Ayunpa luôn quá tải quá khổ.

Người trồng mía bị làm khó

Phía đông-nam tỉnh Gia Lai là các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayunpa có vùng nguyên liệu mía trên 6.800 hecta, sản lượng bình quân 42.000 tấn/năm.

Hơn chục năm trước, tỉnh Gia Lai đã liên kết với một doanh nghiệp nước ngoài xây dựng nhà máy đường Ayunpa, sau này được cổ phần hóa, Nhà máy này thuộc Công ty CP mía đường và nhiệt điện (Cty CP MĐ-NĐ) Gia Lai.

Cty CP MĐ-NĐ Gia Lai không làm tốt chính sách tạo giống rải vụ nên mía chín hàng loạt cùng thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, gây áp lực lớn cho nông dân và khâu chế biến. Cả ngàn hecta mía đến kỳ thu hoạch, nếu không đốn kịp, mía trổ cờ.

Mía không thu hoạch kịp còn ảnh hưởng đến sản lượng vụ sau. Vì thế, nhu cầu được bán mía của người dân tăng cao trong khi công suất Nhà máy đường Ayunpa chỉ tiêu thụ được 3.200 tấn mía cây/ngày.

Một số người dân muốn bán mía ra bên ngoài để lấy tiền chi tiêu dịp tết, trả nợ… không thể bán cho Nhà máy đường Auynpa đành chở mía đến các nhà máy cách đó cả trăm cây số để bán.

Nhà máy đường Kon Tum hay Phú Yên thường thu mua mía nguyên liệu này giá cao hơn khoảng 4 triệu đồng/xe mía nhưng người dân thì khó chở mía đi.

Vừa qua, báo Tiền Phong nhận được đơn của 17 hộ dân là đồng bào địa phương ở huyện Phú Thiện cầu cứu về việc xe mía của họ chở ra khỏi địa bàn bị Thanh tra giao thông Gia Lai xử phạt nặng vì chở quá khổ quá tải, trong khi đó các loại xe khác như xe chở sắn, chở đá cũng quá khổ quá tải lại ít bị xử lý.

Đặc biệt, xe mía chở quá khổ nếu đem bán cho Nhà máy đường Auynpa thì không hề bị xử phạt. Thực tế này khiến người dân nghi ngờ có sự móc ngoặc giữa hai bên chèn ép nông dân.

Việc không bán được mía đúng thời vụ, đồng thời mùa nắng nóng bắt đầu khiến mía bị cháy. Từ tháng 12 đến 1-2012, đã có 156 ha mía cháy, mỗi hecta thiệt hại ít nhất 20 triệu đồng. Anh Trần Văn Dân (46 tuổi) ở xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện chết do chữa cháy mía.

Độc quyền vùng nguyên liệu

Theo ông Hồ Đắc Dũng-Phó Tổng GĐ Cty CP MĐ-NĐ Gia Lai thì 80% các hộ trồng mía thuộc vùng nguyên liệu Đông – Nam này có ký hợp đồng mua bán nguyên liệu với nhà máy.

Như vậy, còn hàng trăm hộ dân với hơn 1.000 hecta mía không được ký hợp đồng, không nhận đầu tư của Nhà máy đường Ayunpa, nhưng Nhà máy đường Ayunpa không muốn họ bán ra ngoài. Năm nào cũng thế khi dân chở mía đi bán nơi khác là Nhà máy đường Ayunpa lại làm ầm ĩ cho rằng “tranh mua tranh bán”.

Ngày 28-12-2011, UBND tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị để chỉ đạo xử lý việc mía bị đốt cháy, tranh mua tranh bán nguyên liệu, mía tại khu vực này. Trong các giải pháp của tỉnh đưa ra có đề nghị: Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với công an giao thông triển khai ngay việc tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm đối với các xe mía quá khổ quá tải, kiên quyết buộc phải hạ tải và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra giao thông Gia Lai đã làm đúng tinh thần yêu cầu này, song chỉ xử lý xe mía chở đi xuống Phú Yên hay lên Kon Tum còn xe chở vào Nhà máy đường Ayunpa thì lại làm ngơ.

Vì sao từ nhiều năm nay xe mía quá tải quá khổ vào Nhà máy đường Ayunpa không bị xử lý, ông Võ Văn Văn-Phó GĐ Sở Giao thông – Vận tải Gia Lai cho rằng, do chưa có kế hoạch, do quốc lộ 25 đoạn qua đèo Tô Na đang làm sợ xe quá tải đi hư đường…

Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-nơi vùng nguyên liệu mía chiếm đến 3.500 ha cho rằng: Nhà máy đường Ayunpa và người nông dân cần hài hoà lợi ích với nhau.

Với những hộ không ký hợp đồng với nhà máy đường Ayunpa thì các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho họ bán theo cơ chế thị trường.

Huỳnh Kiên / Tiền Phong

Bình luận (0)