Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vốn với DN vừa và nhỏ: Khó cả tiếp cận lẫn hấp thụ

Tạp Chí Giáo Dục

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 14.3, việc sử dụng vốn và vốn tự có trong các doanh nghiệp vừa và lớn hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.

Chính vì thế, nghịch lý hiện nay là doanh nghiệp không chỉ khó tiếp cận vốn, mà thậm chí còn không dám vay vốn; trong khi đó nhiều ngân hàng cũng không dám cho vay vì lo ngại nợ xấu.

Chênh lệch lợi thế

Ví dụ cụ thể là đối với các DN lớn, nhất là DN nhà nước thì ngoài uy tín, sự bảo lãnh và nguồn vốn sẵn có thì còn có tài sản thế chấp, có bạn hàng, đối tác bao gồm cả nguồn sẵn có (thực hiện các dự án của chính Nhà nước) và khách hàng tự tìm đến. Vì thế, việc tiếp cận vốn và hấp thụ vốn dễ dàng hơn rất nhiều.
Trong khi đó, các DN nhỏ và siêu nhỏ thì không chỉ hạn chế về nguồn lực tài chính, mà còn hạn chế ở tất cả các mặt: Uy tín có hạn, tài sản thế chấp hầu như không có và nếu có thể cũng rất ít. Đặc biệt hơn, những DN này phải tự tìm kiếm đối tác, bạn hàng… Bên cạnh đó, trên thực tế thì các DN lớn nếu gặp rủi ro thì còn có thể được khoanh nợ, dãn thuế…, trong khi DN nhỏ và siêu nhỏ gặp rủi ro thì rất dễ bị phá sản.

Từ những chênh lệch trong lợi thế kinh doanh này, DN nhỏ và siêu nhỏ không chỉ hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn vốn, mà việc sử dụng vốn cũng khó hiệu quả trong thời buổi khó khăn này. Chuyên gia của VCCI cho rằng đây chính là lý do vì sao các ngân hàng thương mại thường không mặn mà khi cho các DN nhỏ, siêu nhỏ thậm chí là loại hình DN vừa trong việc cho vay vốn.
Cũng theo thống kê của VCCI thì hai chỉ số đánh giá năng lực sử dụng vốn là tỉ lệ quay vòng vốn (tổng doanh thu/tổng nguốn vốn) và tỉ lệ quay vòng vốn tự có (tổng doanh thu/vốn tự có) của các DN tại VN đang… có vấn đề. Trong đó, tỉ lệ quay vòng vốn và vốn tự có trong các DN siêu nhỏ thường thấp nhất, trong khi tỉ lệ này ở các DN vừa và lớn thường cao nhất. Các DN siêu nhỏ có tỉ lệ quay vòng vốn cao nhất là 3,3 lần và thấp nhất là 1,3 lần.
Trong khi tỉ lệ này ở các DN lớn lần lượt là 7,1 lần và 4,4 lần, ở các DN vừa là 10,1 lần và 4,3 lần. Tương tự, hai chỉ số quan trọng khác là ROA (lợi nhuận ròng/tài sản) và ROE (lợi nhuận/vốn sở hữu) cũng phản ánh tình trạng này. Theo đó, ROA ở các DN nhỏ và siêu nhỏ thường thấp hơn so với DN quy mô vừa và lớn. Trong khi chỉ số ROE cũng tăng dần theo quy mô của DN.
Khó vay và không dám cho vay
Trả lời phỏng vấn Lao Động, nhiều chuyên gia và đại diện DN cũng khẳng định điều này không chỉ đúng ở nghiên cứu và lý thuyết, mà còn đúng cả trong thực tế – đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Mới đây nhất, đại diện nhiều DN khi trao đổi với Lao Động đều khẳng định dù là những DN lớn và vừa, song khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt thì khả năng vay vốn và hấp thụ vốn cũng giảm theo.
Ông Mai Hồng Bàng – Tổng GĐ CTCP khoáng sản và công nghiệp (Vinavico) – cho biết, Cty của ông đang tham khảo lãi vay từ nhiều NH và được báo với mức khác nhau. Tuy nhiên, để được vay Cty phải đáp ứng được điều kiện thế chấp rất ngặt nghèo của NH với điều kiện thế chấp 6/10. Có nghĩa, với giá trị tài sản thế chấp 10 tỉ đồng, DN chỉ được vay 6 tỉ đồng.

Trong khi đó, nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ khẳng định nếu căn cứ vào “chuẩn” hoạt động NH – nhất là thế chấp tài sản thì hầu như DN không thể vay nổi. Ông Nguyễn Minh Dung – GĐ một DN nhỏ – cho rằng, không chỉ khó vay vốn, mà với mặt bằng lãi suất hiện nay thì DN nhỏ và siêu nhỏ cũng không dám vay vì… không đủ trả lãi ngân hàng cũng như chi phí hoạt động của DN. Ông Dung phân tích: DN nhỏ hoạt động may mắn có lãi thì giỏi lắm được khoảng trên dưới 20%/năm. Vậy với mặt bằng lãi suất hiện nay, chi phí DN gồm thuê văn phòng, lương nhân viên, thuế, chi phí khác… thì hầu như không DN nhỏ nào có thể đảm bảo được lợi nhuận cao hơn con số này.

Cùng với bất cập này, nhiều ngân hàng hiện nay cũng… không dám cho vay. Đại diện một số ngân hàng khẳng định: Cùng với việc thắt chặt tín dụng thì các ngân hàng cũng đang thắt chặt quy định “chuẩn”. Việc cho vay và giải ngân chỉ thực hiện khi DN đáp ứng được “chuẩn”, bởi nếu không ngân hàng không chỉ đối mặt rủi ro khi bị rà soát, kiểm soát mà còn đối mặt với nợ xấu hoặc mất vốn. Ví dụ cụ thể là mới đây, Agribank đã phải từ chối cho “đại gia thủy sản” Phạm Thị Diệu Hiền vay tiền cho dù DN này có cả hồ sơ thế chấp tài sản.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa từng cho rằng, hiện vốn ở các ngân hàng đang dư thừa, không tìm được khách hàng vay. Vì thế nhiều ngân hàng bỏ tiền mua trái phiếu chính phủ. Thống kê cũng cho thấy từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch toàn thị trường của trái phiếu đạt 47.575 tỉ đồng, trong đó ngân hàng thương mại được cho là đối tượng chủ yếu mua trái phiếu.
  Đức Long – Hải Minh
Theo Lao Động

 

 

Bình luận (0)