Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều câu hỏi về giá gas

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện giá gas và hoạt động quản lý nhà nước với mặt hàng này trog thời gian qua đã gây nhiều bức xúc cho người dùng. Hàng loạt vấn đề về cơ chế giá, định giá, đấu giá… vẫn chưa minh bạch.

Theo Bộ Công thương, hiện nay nguồn gas sản xuất trong nước tại các nhà máy Dung Quất và Dinh Cố có sản lượng khoảng 640.000 tấn/năm. Trong khi đó, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn gas. Như vậy, gas sản xuất trong nước đã chiếm khoảng 53,3% thị phần tiêu thụ. Với tỉ lệ này, theo các chuyên gia kinh tế, đáng lý ra gas trong nước phải có “tiếng nói” trên thị trường gas – phải là yếu tố chi phối hoặc có ảnh hưởng ít nhất 50% tới việc định giá bán lẻ. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng gas sản xuất trong nước có lợi thế hơn ở tính chủ động nguồn hàng, chi phí sản xuất. Hơn nữa, mặt hàng này không phải chịu thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển và bảo hiểm tốn kém như hàng nhập khẩu. Tính ra mỗi tấn gas, khoản chênh lệch giữa gas trong nước và gas nhập khẩu nhờ không phải chịu các loại chi phí trên có thể lên đến khoảng 100 USD/tấn, tức có thể thấp hơn gas nhập khẩu 23.000-24.000 đồng/bình gas 12kg.

Thế nhưng, điểm bất hợp lý là toàn bộ 640.000 tấn gas sản xuất trong nước khi bán ra thị trường lại hoàn toàn không có dấu ấn gì khác so với gas nhập khẩu – nếu nhìn ở góc độ giá cả. Nguồn hàng này được bán theo đúng giá gas nhập khẩu. Người tiêu dùng hoàn toàn không được hưởng chút quyền lợi nào từ việc hàng trong nước chiếm thị phần ngày càng lớn.
Một trong những điểm không minh bạch trên thị trường gas cũng lại liên quan đến gas sản xuất trong nước. Tổng công ty Khí VN (PV Gas) là đơn vị thực hiện đấu giá. Tuy nhiên, thay vì đấu giá toàn bộ, PV Gas chỉ đưa ra đấu giá 50% nguồn sản xuất ở Nhà máy Dung Quất và 75% nguồn ở Nhà máy Dinh Cố. Phần còn lại PV Gas ưu tiên phân phối cho các công ty con của mình.
Gas trong nước hiện chiếm hơn 52% thị phần, thế nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua theo giá thế giới
Một trong những lý do được đưa ra là để doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty con của PV Gas sau khi được ưu tiên nguồn hàng có thật sự để phát triển hệ thống bán lẻ, hay họ lại đi bán sỉ cho đơn vị khác hưởng chênh lệch? Lý do thứ hai được đưa ra là để đảm bảo tiêu thụ gas trong nước những lúc hàng ế.
Tuy nhiên, PV Gas đang là nhà nhập khẩu gas lớn nhất và bán sỉ cho những doanh nghiệp đầu mối gas khác. Do đó, ở những thời điểm có nguy cơ tồn hàng, PV Gas hoàn toàn có thể điều phối lượng nhập khẩu để đảm bảo gas trong nước vẫn được tiêu thụ bình thường, chứ không thể có tình trạng gas sản xuất ra ế không có người mua. Vì vậy, lý do này không thật sự thuyết phục.
Việc không thực hiện đấu giá toàn bộ gas sản xuất trong nước đã khiến dư luận đặt vấn đề về việc ai được lợi.
Nếu tính cả nguồn trong nước và nhập khẩu, PV Gas hiện chiếm tới gần 80% thị phần phân phối gas. Với các yếu tố này, thật khó để có một thị trường gas công bằng và quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng được xem trọng. Theo TS Ngô Trí Long – nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, về nguyên tắc, một doanh nghiệp chỉ chiếm 30% thị phần đã được gọi là độc quyền. Khi đó Nhà nước phải có sự can thiệp, không thể để cho doanh nghiệp được tự quyết định giá.
Hiện nay, gas nằm trong nhóm mặt hàng thuộc diện bình ổn giá do liên bộ Công thương – Tài chính quản lý nhưng được kinh doanh theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp quyết định giá và đăng ký giá bán với cơ quan quản lý. Vì vậy, theo các chuyên gia, để minh bạch thị trường gas, cơ quan quản lý cần kiểm tra và công khai các chi phí và việc tăng giá của doanh nghiệp gas có hợp lý hay không.
Ngoài ra, quan trọng nhất là sự minh bạch, công khai đấu giá toàn bộ gas sản xuất trong nước, đồng thời tách bạch giá gas sản xuất trong nước với giá gas nhập khẩu, tránh gộp chung để một vài doanh nghiệp được hưởng lợi mà quyền lợi hàng chục triệu người tiêu dùng bị bỏ qua.
Theo Tuoitre.vn

 

Bình luận (0)