Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xăng dầu nhấp nhổm tăng giá

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa tăng giá khá sốc nhưng chỉ một tháng sau, 4 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu lớn lại đề xuất tăng giá xăng dầu. Đề xuất này được xem là vô lý vì nhiều nước trong khu vực đã giảm giá bán lẻ xăng dầu


Tăng giá xăng dầu sẽ thêm gánh nặng cho người dân. Ảnh Tấn Thạnh
Các đầu mối nhập khẩu xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro)… đều cho biết họ đang bị lỗ nếu tính theo giá bình quân 30 ngày. Cụ thể, mặt hàng xăng A92 đang bị lỗ 800 đồng/lít (nếu trích quỹ bình ổn 300 đồng thì còn lỗ khoảng 500 đồng/lít), còn mặt hàng dầu DO lỗ 200 đồng/lít…
Thực chất lỗ hay lãi?
Tuy nhiên, từ cuối tuần qua, giá xăng dầu thế giới đã bắt đầu giảm. Hiện nay, xăng A92 còn 130 USD/thùng, dầu DO còn 132 USD/thùng. Với giá mới này, theo tính toán từ các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mặt hàng xăng A92 chỉ còn lỗ khoảng 400 đồng/lít, nếu trích quỹ bình ổn 300 đồng thì họ chỉ còn lỗ khoảng 100 đồng/lít. Còn mặt hàng dầu thì đang hòa vốn, nếu trích quỹ bình ổn thì có lãi. Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đều cho biết nguồn quỹ bình ổn của họ cũng đã cạn từ đầu tháng 3-2012. Việc trích quỹ bình ổn hiện nay chỉ là hình thức, thực chất không có tiền, phải ứng trước, bù sau.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, cho biết với mức giá thế giới giảm như hiện nay, nếu nhập hàng về từ ngày 17-4 sẽ có lãi từ 100 – 200 đồng/lít. Còn nếu tính bình quân 30 ngày thì hòa vốn, doanh nghiệp lỗ chi phí quản lý.
Như vậy, doanh nghiệp đầu mối hiện đang có lãi chứ không lỗ như trước đây. Nhưng tại sao họ lại xin đòi tăng giá vào lúc này? Đặt câu hỏi trên đến các doanh nghiệp đầu mối thì được biết bản kiến nghị tăng giá đã được họ gửi đến các bộ liên quan từ hồi đầu tuần trước. Các doanh nghiệp đầu mối còn cho biết nếu giá xăng dầu thế giới giảm như hiện nay thì họ không có kiến nghị tăng giá.
Nhiều nước giảm giá bán lẻ
Các bản tin thị trường xăng dầu của Petrolimex – một kênh cập nhật thông tin giá xăng dầu thế giới – lại cho thấy nhiều nước xung quanh đang giảm giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, theo bản tin số 50 ra ngày 4-4, giá thành phẩm tại thị trường Singapore trong tháng 2-2012 của xăng A92 là 128,63 USD/thùng và tăng lên 134,48 USD/thùng trong tháng 3-2012. Giá bán lẻ xăng A 92 quy đổi về VNĐ theo tỉ giá ngày 30-3 tại Lào là 28.460 đồng/lít, tại Campuchia là 29.202 đồng/lít, tại Singapore là 36.469 đồng/lít, tại Trung Quốc là 27.685 đồng/lít.
Tại bản tin thị trường xăng dầu số 51 ra ngày 16-4, Petrolimex cho biết giá dầu thô trên thị trường thế giới nửa đầu tháng 4-2012 tiếp tục tăng rồi giảm nhẹ, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore nửa đầu tháng 4-2012 cũng tăng rồi giảm nhẹ với mức giảm từ 0,11% đến 1,16%. Giá bán lẻ xăng A92 quy đổi về VNĐ tại Lào ngày 16-4 là 27.568 đồng/lít, tại Campuchia là 27.460 đồng/lít, tại Singapore là 36.238 đồng/lít, tại Trung Quốc là 27.502 đồng/lít. 
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối trong nước bên cạnh việc đề nghị tăng giá còn cho rằng họ không có lãi nên phải cắt giảm hoa hồng cho các đại lý từ 200 – 300 đồng/lít. Sau đợt cắt giảm này, hiện nay mức hoa hồng chỉ còn khoảng 300 đồng/lít. Các đại lý cho rằng mức hoa hồng như vậy không đủ chi phí cho họ hoạt động mà phải tối thiểu từ 500 – 600 đồng/lít. Nhiều đại lý còn cho biết từ ngày 19-4, một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã không xuất phiếu cung cấp mặt hàng xăng cho họ với lý do hết nguồn và chừng nào có sẽ thông báo sau.

Đừng lặp lại cú sốc

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại việc tăng giá xăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát chung, không chỉ do tác động về mặt kỹ thuật mà đáng lo ngại hơn là tác động tâm lý. Theo TS Lê Đình Ân, nguyên giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, tăng giá xăng dầu về mặt lý thuyết sẽ có ảnh hưởng không lớn. Sức mua, tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán trong quý I/2012 đều giảm sẽ khiến sức mua của người dân cũng như tiêu thụ phần cứng không bị ảnh hưởng về giá xăng. Tuy nhiên, tác động đến tâm lý sẽ rất lớn vì nếu tăng giá xăng trong tháng 4, tháng 5 là trùng với thời điểm “nới” chính sách tiền tệ (giảm lãi suất, “nới” tín dụng bất động sản) và thực hiện tăng lương (tháng 5).
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cũng cho rằng chỉ nên tăng giá xăng ở mức vừa phải để không có tác động lớn đến xu hướng thị trường vốn đang thuận lợi (giá lương thực, thực phẩm xuống thấp, tiêu dùng giảm vào mùa nóng và mùa vụ đang tới).

Nguyễn Hải – Tô Hà
Theo Người Lao Động


Bình luận (0)