Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng Việt vào chợ truyền thống: “Bơm” hàng Việt cho hệ thống bán lẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Các siêu thị đua nhau mở, chợ truyền thống phải “sống” thế nào? Sắp tới doanh nghiệp có “chăm sóc” tiểu thương tốt hơn không?… Hàng trăm tiểu thương các chợ của TP Cần Thơ đã nêu những băn khoăn như vậy.

Tiểu thương Cần Thơ chọn xem các sản phẩm sữa của Công ty Vinamilk tại hội thảo chiều 15-5 – Ảnh: Chí Quốc
và yêu cầu các doanh nghiệp quan tâm tới họ nhiều hơn tại hội thảo “Tiếp sức hàng Việt” tổ chức chiều 15-5 tại TP Cần Thơ. Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức.
Khi tiểu thương nói thẳng…
Không khí buổi hội thảo trở nên sôi động khi ban tổ chức dành tặng hai phần quà cho ông Trần Bá Lộc – tiểu thương ở chợ cổ Cần Thơ, thay vì một phần quà như những người nêu câu hỏi khác, vì ông đã đưa ra những ý kiến độc đáo. “Chúng tôi là đầu mối chuyển tải thông tin và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng nhưng thời gian qua vẫn thiếu thông tin để chuyển đến họ. Đề nghị các công ty cải tiến cách phân phối, phương thức thông tin để chúng tôi có thông tin đầy đủ, kịp thời nhất mà nói lại với người tiêu dùng” – ông Lộc phát biểu.
Nói về khâu truyền thông chưa tới nơi tới chốn của các doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Đạt – tiểu thương ở chợ An Hòa (Q.Ninh Kiều) – nêu thực tế mỗi khi có sản phẩm mới là các công ty cử nhân viên đến giới thiệu nhưng cũng chỉ giới thiệu sản phẩm, thiếu các chương trình ưu đãi nên bản thân ông không dám lấy về bán vì sợ khách hàng không chấp nhận, tiểu thương phải “ôm sô”.
Ông Lê Thanh Hải, tiểu thương ở chợ Tân An (Q.Ninh Kiều), cho biết trong vòng một năm qua sạp của ông chỉ còn vài sản phẩm hàng ngoại là thuốc diệt côn trùng, còn lại đều là hàng nội nhưng ông chỉ lấy hàng theo kiểu “thấy có lời thì lấy bán”, không phải vì những ưu đãi mà doanh nghiệp dành cho mình. Trong khi đó, nhiều tiểu thương khác ở chợ này cho biết họ chỉ lấy hàng qua nhà phân phối, rất ít khi thấy các công ty sản xuất hàng Việt đến giới thiệu sản phẩm cũng như thông tin về các chương trình khuyến mãi và ưu đãi cho tiểu thương.
Tiểu thương Võ Hiếu Thuận (chủ shop 114 Nguyễn An Ninh, Q.Ninh Kiều) nêu thực tế đáng buồn là có lúc khách hàng mua sản phẩm lại thắc mắc “tại sao cái này siêu thị có khuyến mãi mà ở đây không có?”. Tiểu thương như ông đành “bó tay” vì những chương trình này doanh nghiệp sản xuất thường chỉ ưu đãi cho các siêu thị, nếu chạy theo siêu thị thì tiểu thương bị lỗ. Ông Thuận cũng so sánh việc đưa hàng vào siêu thị thì doanh nghiệp sản xuất cho thời hạn thanh toán tới 45 ngày, trong khi những hộ nhỏ lẻ thì thời gian này chỉ có ba ngày. Điều này đã gây áp lực lớn với những người bán nhỏ lẻ như ông trong thời buổi phải cạnh tranh gay gắt với các siêu thị lớn ra đời ngày càng nhiều.
Doanh nghiệp: “Sẽ chuyển hướng”
Ngoài chia sẻ với khó khăn và tâm tư của tiểu thương, ông Trần Văn Hùng – giám đốc kinh doanh tiếp thị Công ty Mía đường Cần Thơ – lý giải vì sao thời gian qua còn bỏ ngỏ những “đại sứ thực thụ” này. “Thời gian qua công ty tập trung phân phối sỉ do sản lượng rất lớn. Trong thời gian tới, công ty phải tăng doanh số bán lẻ, chúng tôi sẽ có cách tiếp cận các tiểu thương tốt hơn…” – ông Hùng cam kết.
Ông Hùng cũng cho biết thêm công ty đang thay đổi hệ thống phân phối theo hướng tập trung cho các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa và các chợ truyền thống, hạn chế kiểu tham gia “siêu thị là chính” như trước đây. “Chúng ta phải nhìn nhận là xu hướng của người tiêu dùng có thay đổi thấy rõ. Khi họ vào cửa hàng tiện lợi, mình phải coi lại sạp của mình có đáp ứng được sự thay đổi của người ta hay không” – ông chia sẻ với các tiểu thương.
Ông Trần Hữu Phương, giám đốc chi nhánh miền Tây của Vinamilk, cho rằng thời gian qua các doanh nghiệp thấy cách nhanh nhất để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng là quảng cáo liên tục, làm chi phí sản phẩm tăng lên và người tiêu dùng phải gánh chịu phần này. “Bà con tiểu thương là cầu nối rất quan trọng vì lời nói của bà con dễ đi vào người tiêu dùng cũng như bà con biết sản phẩm nào tốt, có giá cả cạnh tranh để giới thiệu cho họ. Sắp tới có thông tin, chương trình gì mới chúng tôi sẽ photo hoặc làm cách gì đó chuyển tải cho các tiểu thương nhanh nhất” – ông Phương cam kết.
Ông cũng khẳng định thời gian tới sẽ cố gắng “bôi trơn” hệ thống phân phối để đường đi của sữa Vinamilk đến nông thôn gần hơn nhưng giá vẫn không bị đội lên để trẻ em nông thôn có thể tiếp cận được. Chia sẻ với tiểu thương, bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc BSA, cho biết đang thuyết phục các nhà sản xuất thay đổi cách phân phối hàng hóa. “Tôi đặt vấn đề đưa hàng vào siêu thị phải chiết khấu cao, quà khuyến mãi liên tục nhưng tại sao không cho tiểu thương được như vậy. Họ đã đồng ý thay đổi” – bà Hạnh nói.
Tiểu thương phải tự “làm mới” hình ảnh để cạnh tranh với siêu thị
Theo bà Vũ Kim Hạnh, để chợ truyền thống tồn tại và phát triển tốt, cần phải khắc phục khâu cơ sở vật chất vốn quá yếu kém mà bà cho rằng điều này “đối nghịch rất ác liệt với siêu thị”. “Mà cái này thuộc về chính quyền. Nếu Nhà nước không tập trung đầu tư thì ta thua” – bà Hạnh nói.
Cũng theo bà Hạnh, tiểu thương phải thay đổi thái độ, hành vi trong bán hàng để “không còn tâm lý nghĩ đến tiểu thương là người mua nghĩ tới nói thách”. Ngoài ra tiểu thương phải bán những hàng hóa có chất lượng bởi hơn ai hết, tiểu thương biết rất rõ điều này. “Tất nhiên về nâng cấp cơ sở vật chất cho các chợ là việc của Nhà nước, nhưng thái độ, hành vi và bán hàng hóa chất lượng thì chúng ta có thể cùng nhau làm được” – bà Hạnh nói.
CHÍ QUỐC
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận (0)