Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ai sẽ quyết giá điện bán lẻ?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã từng đề nghị không chia tách cụ thể cơ cấu giá điện mà cần quy định Nhà nước định giá đối với giá bán lẻ điện bình quân thì Liên bộ Tài chính – Công Thương vẫn giữ quan điểm cần chia tách, Nhà nước sẽ định khung gía cho loại giá điện này.

Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa thống nhất các ý kiến về vấn đề giá điện trong dự thảo Luật giá để trình ra kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sẽ diễn ra từ 21/5 tới.

Luật không còn phù hợp?

Theo đó, mặt hàng đặc biệt này sẽ được vận hành theo cơ chế có khung giá và mức giá cụ thể do Nhà nước định đoạt. Cơ cấu giá điện bao gồm giá thành phần của các khâu như phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ…

Trong đó, Liên Bộ đã thống nhất chia tách, Nhà nước sẽ định khung giá điện đối với giá phát điện, giá bán buôn và giá bán lẻ bình quân cũng như sẽ quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Nhà nước sẽ định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải, giá phân phối, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.

Trong dự thảo Luật giá, thẩm quyền định giá sẽ được cụ thể hóa rõ ràng hơn, đối với khung giá bán lẻ điện và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là do cấp Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt khung giá và mức giá cụ thể cho các khâu như trên phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ, bán buôn…

Giải trình về các đề xuất này, Liên bộ cho rằng, vấn đề giá điện trong Luật giá cần phải phù hợp với Luật Điện lực và lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh. Từ 1/7 tới, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ chính thực vận hành, cấp độ kế tiếp, thị trường cạnh tranh sẽ hình thành ở khâu bán buôn và sau cùng là cạnh tranh ở khâu bán lẻ, dự kiến thực hiện từ năm 2022. Trong tương lai, điện sẽ vận hành theo cơ chế nhiều người bán, nhiều người mua như các dịch vụ hàng hóa trên thị trường thông thường hiện nay.
Vì lẽ đó, giá của khâu phát điện và bán buôn điện chỉ cần quy định khung giá thay vì mức giá cụ thể. Điều này sẽ giúp tránh được nguy cơ các doanh nghiệp trong ngành điện có thể bắt tay, liên kết làm giá với nhau gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất dân sinh.

Liên quan đến giá bán lẻ điện, theo Luật Điện lực hiện hành, Thủ tướng quyết định các mức giá bán lẻ điện cụ thể. Liên Bộ cho hay, quy định này sẽ không còn phù hợp, không đảm bảo tính linh hoạt và kịp thời theo diễn biến thị trường như cơ chế đã được duyệt ở Quyết định 24 của Thủ tướng. Từ tháng 9/2011,giá bán lẻ điện đã được vận hành theo cơ chế thị trường, phản ánh biến động của các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu sản lượng điện phát.

Với phân tích trên, hai bộ đều thống nhất cho rằng, Thủ tướng chỉ nên quy định khung giá bán lẻ điện. Còn các mức giá cụ thể cho từng loại khách hàng thì nên giao cho Bộ quản lý ngành là Bộ Công Thương phê duyệt. Trong đó, Thủ tướng vẫn quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ để đảm bảo chính sách giá điện phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Các thành phần còn lại của giá điện là giá truyền tải, giá phân phối, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện sẽ được Nhà nước quy định mức giá cụ thể. Vì đây là các khâu độc quyền tự nhiên. Trong một vùng, một miền, chì có một mạng lưới phân phối truyền tải điện, trong hệ thống này, cũng chỉ có một số dịch vụ phụ trợ cần thiết như dự phòng khởi động, điều chỉnh điện áp… để đảm bảo an ninh năng lượng.

Tranh cãi?

Trước đó, hôm 20/4, cuộc thảo luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nảy ra cuộc tranh cãi lớn về việc Nhà nước can thiệp vào giá điện. Dự thảo Luật giá ban đầu do Bộ Tài chính soạn thảo chỉ quy định chung chung Nhà nước định giá đối với mặt hàng "điện, dịch vụ truyền tải điện; dịch vụ đấu nối lưới truyền tải điện; phân phối điện".

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính- ngân sách ông Phùng Quốc Hiển đã đề nghị Chính phủ chỉ nên quy định Nhà nước định giá đối với giá điện bán lẻ bình quân, còn mức giá cụ thể do doanh nghiệp tự điều chỉnh. Vì điện là mặt hàng thiết yếu, song lại độc quyền kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, cần thiết phải giữ ổn định giá điện để bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, giá điện thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự điều tiết của Nhà nước.

Vì thế, Ủy ban không đồng tình với việc chia cụ thể giá điện như vậy mà theo như ông Hiển phát biểu: "đó sẽ là một bước lùi". Tất cả các loại giá còn lại của giá điện sẽ phải theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ điều tiết giá bán lẻ bình quân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ rằng, trong cơ cấu giá điện có nhiều loại giá và phí, có tới 8 loại giá, 2 loại phí nên Bộ Tài chính không thể "bao" hết. Bộ Tài chính chỉ có thể giám sát rồi trình Thủ tướng ban hành một mức giá điện chung gọi là giá bán lẻ. Giá bán lẻ đó dành cho các đối tượng khác nhau chứ Nhà nước không định giá ở từng khâu, từng khúc.

"Sau này phát triển thị trường điện cạnh tranh thì tải điện cũng phải tách ra, nhà nước cũng không còn được độc quyền. Anh nào tải giỏi thì anh đó được cấp, để làm lợi cho người tiêu dùng", ông Hùng nói.

Sau cuộc tranh luận nảy lửa này, ngày 9/5, thường trực Chính phủ đã họp chuyện giá điện cần quy định ra sao ở dự thảo Luật giá và dự thảo Sửa đổi Luật điện lực. Sau đó, ngày 11/5, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ đã tiếp tục họp về vấn đề này để đưa ra ý kiến chung cuối cùng.

Các nội dung này đã được Bộ Tài chính đại diện Liên Bộ gửi báo cáo tới Thủ tướng hôm 14/5 để xin ý kiến trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Và theo đó, Liên Bộ vẫn trung thành với nguyên tắc chia giá điện theo các thành phần cụ thể trong cơ cấu giá điện, từ đó quy định thẩm quyền, mức độ định giá.

Theo lý giải của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ ở cuộc họp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, đặc thù của giá điện có kết cấu giá thành phức tạp, nhiều khâu nên không thể ghi chung gộp là giá điện bán lẻ bình quân. Việc ghi chung như vậy sẽ khó cho việc thực hiện cơ chế hình thành thị trường điện theo từng cấp độ trong thời gian tới.

Theo VEF

Bình luận (0)