Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xăng dầu lãi lớn: Neo giá cao, chi hoa hồng lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Giá xăng dầu trên thế giới tuần qua liên tiếp giảm sâu đã giúp cho các doanh nghiệp đầu mối lãi bình quân tới 700-1.500 đồng/lít. Chưa tính đến chuyện giảm giá, các DN xăng dầu nhỏ đang tăng hoa hồng để tranh giành thị phần.
Mỗi ngày lãi thêm 100 đồng/lít
Thông tin này được đại diện SaigonPetro chia sẻ với PV hôm 17/5. Ông cho biết, thị trường xăng dầu vốn đã hạ nhiệt từ ngày 2/5. Đó là lý do khiến Liên bộ Tài chính- Công Thương đi đến quyết định tăng thuế, giảm giá bán lẻ 300-500 đồng/lít hôm 9/5.
Từ đó đến nay, diễn biến của mặt hàng xăng dầu thành phẩm vẫn tiếp tục hạ nhiệt và đang hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi cho một đợt giảm giá bán lẻ trong nước sắp tới. 
Theo tính toán của SaigonPetro, căn cứ theo giá bình quân 30 ngày qua tới ngày 17/5, mỗi lít xăng và dầu đang lãi tới 700 đồng/lít. Dự báo ngày 18/5, mức lãi sẽ tiếp tục tăng lên là 800-900 đồng/lít. Gần như mỗi ngày, mức lợi nhuận cho mặt hàng này đều tăng thêm 100 đồng/lít.
Đặc biệt, nếu chỉ tính theo giá bình quân của 10 ngày qua, mặt hàng xăng dầu đã lãi to, tới 1.500 đồng/lít và mức lãi này là đồng đều cho cả 4 loại mặt hàng. 
Dù chỉ cách đây 8 ngày, giá bán lẻ giảm, thuế nhập khẩu tăng 2-3% nhưng giá xăng dầu thành phẩm tại Singapore đã giảm rất mạnh. Nếu như bình quân tháng 3 và nửa đầu tháng 4, các mức giá còn giao dịch loanh quanh trên 130 USD/thùng thì nay, giá xăng thành phẩm đã xuống dưới 120 USD/thùng và dầu diezen xuống dưới 128 USD/thùng. 
Cụ thể, ngày 16/5, xăng thành phẩm chỉ còn 117,33USD/thùng, dầu hỏa thành phẩm là 123,25 USD/thùng, dầu diezen 125,21USD/thùng, madut 675,2 USD/tấn. 
Diễn biến xăng dầu thành phẩm tại Singapore nửa đầu tháng 5
Bản tin thị trường của Petrolimex vừa cập nhật cũng cho thấy, tính trung bình nửa đầu tháng 5, xăng A92 có mức giá bình quân là 122,25USD/thùng, giảm 4,85USD so với cùng kỳ nửa đầu tháng 4, tương ứng tỷ lệ giảm 8,65%. Dầu diezen có giá bình quân nửa đầu tháng 5 là 128,89 USD/thùng, giảm tới 5,41%, tương ứng 1,95USD. Dầu hỏa cũng giảm mạnh khi chỉ còn mức giá bình quân là 127,07USD/thùng, giảm 3,03 USD, tức 5,46%. Dầu madut cũng xuống dốc mạnh khi chỉ còn 691,22 USD/tấn, tương ứng giảm tới 37,02USD/tấn, tỷ lệ giảm 6,35%.
Xu hướng này gắn liền với sự xuống dốc của giá dầu thô trên thị trường thế giới nửa đầu tháng 5. Đây cũng là đợt giảm giá dài ngày nhất kể từ tháng 12/2009. Tính bình quân và so với cùng kỳ tháng 4, dầu WTI có giá 96,78 USD/thùng giảm 4,19 USD/thùng (4,07%), dầu Brent là 113,91 USD/thùng giảm 8,40 $/thùng (6,87%). 
Cuộc chiến "tăng" hoa hồng 
Phải nói rằng, lâu lắm rồi mới có một giai đoạn thị trường xăng dầu đầy tín hiệu tích cực như vậy. "Mức lãi tới 700-800 đồng/lít đó là đã được tính trên cơ sở tổng hòa với phần hàng tồn kho lúc nhập giá cao đầu tháng 4, nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, mức lãi này còn lớn hơn nhiều", đại diện SaigonPetro cho hay. 
Nếu cứ duy trì mức lãi 700 đồng/lít, nhân với sản lượng tiêu thụ một tháng khoảng 40 triệu lít xăng của một doanh nghiệp vừa thì mặt hàng này đã cho lãi tới 28 tỷ đồng/tháng. Mỗi ngày, doanh nghiệp có thể lãi 9,4 tỷ đồng. 
Nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ lúc giá cao, bị lỗ không nhập đủ hạn mức hoặc dừng hẳn nhập thì nay, nhập giá nào là "ăn" lời ngay với giá ấy. Tuần gần đây, xăng dầu nhập khẩu về cảng Sài Gòn ồ ạt mà hầu hết là hợp đồng của các doanh nghiệp nhỏ. 
Giá CIF mà các doanh nghiệp này đang hưởng sẽ ở mức 116-117 USD/thùng xăng A92 chứ không phải là mức trên 122 USD/thùng giá bình quân. Do đó, lợi nhuận của nhóm các doanh nghiệp đầu mối nhỏ này lên tới 1.500 đồng/lít, gấp đôi các doanh nghiệp lớn. 
Điều gây bức xúc nhất là, khi giá xuống, cuộc cạnh tranh chiết khấu hoa hồng cho đại lý bắt đầu diễn ra. Theo như SaigonPetro thông báo, doanh nghiệp chỉ có thể chiết khấu hoa hồng khoảng 650 đồng/lít. Nhưng một số doanh nghiệp nhỏ, không chịu lỗ hàng tồn nên đã tăng mức chiết khấu hoa hồng cho các đại lý tới 800-1000 đồng/lít. 
"Trên thị trường, đây là sự cạnh tranh không công bằng, các đơn vị nhỏ đang phá giá thù lao đều giành giật thị phần", đại diện SaigonPetro cho biết.
Trước tình thế này, những ông lớn như Petrolimex, PVOil hay SaigonPetro đứng trước 2 tình huống, tăng hoa hồng đua theo doanh nghiệp nhỏ thì giành được thị phần nhưng nguy cơ bị giảm lãi, hoặc thậm chí là lỗ. Ngược lại, nếu giữ lãi và không tăng hoa hồng thì đứng trước nguy cơ sụt giảm thị phần, vì các đại lý, tổng đại lý sẽ "quay lưng", nhập hàng của doanh nghiệp nhỏ cho thù lao lớn hơn. 
Trong lúc này, theo nhiều chuyên gia, Liên bộ Tài chính- Công Thương cần tính toán các biện pháp điều chỉnh giảm giá kịp thời. Bởi với mức lợi nhuận hiện hành như trên, giá xăng dầu hiện này hoàn toàn cho phép lùi lại khoảng 900-1000 đồng, vừa với sức chịu đựng của doanh nghiệp, lại góp phần chia sẻ với doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng trong bối cảnh sức mua suy giảm và dư âm 2 đợt tăng mạnh giá xăng dầu vẫn còn.
Một chuyên gia về giá cả cho rằng, Nghị định 84 về cơ chế kinh doanh xăng dầu cho phép, nếu phải tăng giá thì thời gian tối thiểu giữa 2 lần tăng giá phải là 10 ngày. Nhưng nếu giảm giá, các doanh nghiệp không chịu sự giới hạn về thời gian giảm giá mà việc giảm hoàn toàn phụ thuộc vào biến động của đầu vào.
Cũng theo các doanh nghiệp xăng dầu, để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, Liên Bộ cần nghiêm khắc hơn với doanh nghiệp không nhập đủ hạn mức như xăng dầu quân đội hay xăng dầu hàng hải.
 Theo Petrolimex cập nhật, giá bán lẻ tại một số nước trong khu vực như Singapore và 3 nước có chung biên giới với Việt Nam tại thời điểm hiện nay đều cao hơn giá của Việt Nam. Ví dụ đối với mặt hàng xăng, tại Singapore (SPC): 2,080 S$/lít = 34.111 đồng/lít.
Tại Lào (Lao State Fuel Co.): 11.000 Kip/lít = 28.592 đồng/lít.
Tại Campuchia (Công ty SOKIMEX): 5.350 Riels/lít = 27.720 đồng/lít.
Tại Trung Quốc: 8,430 NDT = 27.465 đồng/lít. 
Như vậy, xăng RON 92 đang bán tại Việt Nam thấp hơn Singapore 11.211 đồng/lít, thấp hơn Lào 4.692 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 4.820 đồng/lít, và thấp hơn Trung Quốc 4.565 đồng/lít.Giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi nước khác nhau chủ yếu là do cơ chế quản lý điều hành xăng dầu tại mỗi nước là khác nhau.
  Theo Phạm Huyền
VEF

Bình luận (0)