Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường ôtô: Sống dở – chết dở

Tạp Chí Giáo Dục

Lượng ôtô nhập khẩu (NK) giảm sút nghiêm trọng; ôtô trong nước ế ẩm và tồn kho nghiêm trọng; DN đình trệ sản xuất; công nhân đi làm 14 ngày/tháng… Đó là thảm cảnh của thị trường ôtô hiện nay.

Một đại lý ôtô ế ẩm ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Đối với mảng ôtô NK nguyên chiếc, hàng loạt DN chuyên thực hiện việc này đã bị phá sản khi mà hàng NK về nhưng không bán được. Thống kê cho thấy trong nửa đầu tháng 4.2012, chỉ có hơn 400 xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi được NK về Việt Nam; trong khi ôtô trên 9 chỗ ngồi chỉ là… 4 chiếc. Ở những tháng trước đó, con số cũng giảm sút nghiêm trọng và so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ này luôn là… âm hơn 50%.

Đối với DN lắp ráp trong nước, tình trạng bi đát cũng tương tự. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nhận định, thị trường ôtô Việt Nam đang ở tình trạng báo động; mức tồn kho của các nhà máy, đại lý đang ở mức cao. Tất cả những nguyên nhân này khiến các nhà sản xuất phải cắt giảm sản xuất, công nhân phải làm việc cầm chừng. Thậm chí ở vài DN lớn, hiện công nhân chỉ làm việc 14 ngày/tháng, còn lại là nghỉ không lương. Trong tháng 4.2012, các thành viên VAMA cũng chỉ bán được tổng cộng 6.004 xe; trong khi cùng kỳ năm 2011 bán được hơn 9.400 xe.

VAMA cũng đưa ra dự đoán mới cho thị trường ôtô Việt Nam. Cụ thể lượng xe sẽ giảm từ 130.000 – 140.000 như dự báo trước đây xuống còn khoảng 100.000 xe/năm (bao gồm tất cả các loại xe sản xuất trong nước và NK). VAMA cũng ước tính việc thị trường ôtô đi xuống thì nguồn thu từ thuế của Nhà nước sẽ bị thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng trong năm 2012.
Như Lao Động từng phân tích, hiện nay với mỗi chiếc xe ôtô NK phải chịu quá nhiều loại thuế và phí, thậm chí có cả tình trạng thuế chồng thuế. Cụ thể với chiếc xe Hyundai Santafe máy dầu 2.0cc, hiện đang được hải quan áp giá là 13.500USD thì các loại thuế, phí được tính như sau:
Giá NK 13.500USD (gọi là A).
Thuế NK sẽ bằng A x 78% = 10.530USD (gọi là B).
Thuế tiêu thụ đặc biệt = (A + B) x 45% = 10.813,50USD (gọi là C).
Thuế VAT = (A+B+C) x 10% = 3.484,35USD (gọi là D).
Tại Hà Nội, biểu thuế trước bạ áp cứng cho dòng xe này là 1,111 tỉ đồng. Phí trước bạ 20% sẽ bằng 1,111 tỉ đồng x 20% = 222,2 triệu đồng. Phí cấp biển số tại Hà Nội là 20 triệu đồng; phí bảo hiểm dân sự bắt buộc là 730.000đ; phí đăng kiểm lưu hành là 260.000đ. Tổng các loại phí này là 222,2 triệu đ + 20 triệu đ + 730.000đ + 260.000đ = 243.190.000 đồng (gọi là E).
Như vậy, tổng giá trị sau khi hoàn tất các loại thuế, phí là (A + B + C + D) = 13.500 + 10.530 + 10.813,50 + 3.484,35 = 38.327,85USD x tỉ giá USD (21.000đ) = 804.884.850đ + 243.190.000đ (các loại phí E) = 1.048.074.850đ. So sánh với giá mua tại nước ngoài: A x tỉ giá (21.000đ) = 283.500.000đ thì chiếc xe có thể lưu hành phải trả các loại thuế và phí cao gấp 369,69%.
Thế Hải
Theo Lao Động

 

Bình luận (0)