Nhiều biện pháp hỗ trợ, kích cầu đã được DN triển khai để đẩy sức mua nhưng người tiêu dùng vẫn thờ ơ. Các DN đang xoay xở đủ cách để hạn chế lượng hàng tồn, tăng dòng luân chuyển đồng vốn.
Vắng khách, các nhân viên cũng ít việc – Ảnh: Đình Dân |
Giảm nhiều vẫn ế
Xoay khi thị trường khó
Tại các chợ, tiểu thương tự xoay xở bằng cách đa dạng hình thức bán hàng nhằm thu hút khách mua. Tại sạp Thu Hương, chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) vài tháng nay bên cạnh các mặt hàng thịt heo sống, bà chủ sạp đã quay sẵn các loại thịt để bán nhanh cho khách, đồng thời tránh hàng tồn. Bà Hương cho biết hàng ế nhiều quá, người tiêu dùng ngày càng khó tính đành phải tính cách này để tồn tại.
Tham gia nhiều chuyến khảo sát thị trường cùng các doanh nghiệp, chuyên gia thị trường Trần Hữu Lễ cho rằng khi khó khăn càng bó càng khó, bung ra để tìm kiếm thị trường là cách doanh nghiệp lựa chọn để tăng hiệu quả trong việc bán hàng như đầu tư hệ thống phân phối vững chắc, tinh gọn.
|
Dãy cửa hàng thời trang trên đường Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) dù đã tầm trưa nhưng vẫn vắng như “chùa Bà Đanh”. Từng dòng người vội vàng lướt qua những tấm biển giảm giá
15-50%, “mua 1 tặng 1”, “hàng giảm giá đặc biệt”… treo kín ngoài cửa hiệu. Khách vắng nên các nhân viên bán hàng, bảo vệ chỉ biết ngồi đọc báo, chơi game và “tám” thay cho việc chào mời khách như trước. Một nhóm nhân viên tại shop quần áo nói đùa với nhau giờ khách đi mua ít hơn nhân viên đứng bán. Thỉnh thoảng cũng có khách vào nhưng chủ yếu đi xem, đi chơi nhiều hơn là mua.
Ngay cả siêu thị, nơi vẫn thường chứng kiến cảnh dòng người xếp hàng tại các quầy tính tiền, cũng lâm vào cảnh vắng vẻ. Chiều 30-5, tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) những dãy bảng thông tin giảm giá, khuyến mãi treo vàng rực các quầy nhưng chỉ lác đác người dạo quanh. Khách đến mua sắm giảm, lượng hàng trong mỗi giỏ hàng cũng ít đi nên nhân viên nhàn nhã hơn. Chị Quỳnh Như (Q.Phú Nhuận) nói: “Giờ vào siêu thị thấy khuyến mãi rất nhiều nhưng tôi chủ yếu mua các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, rau củ quả chứ ít khi qua các quầy quần áo, điện máy khác”.
Không riêng trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ vốn đã ế ẩm nay còn trầm trọng hơn. Tại khu vực vải lụa, quần áo may sẵn chợ Bình Tây (Q.6), quan sát mỏi mắt mới thấy lác đác vài người tiêu dùng đi lựa hàng. Ế ẩm không kém là khu tầng hầm chợ đầu mối An Đông (Q.5), các tiểu thương cho biết hiện phần nhiều du khách đi dạo, đi ngắm chứ người mua hàng từ đầu năm đến nay đã giảm rất nhiều.
Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), đến cuối buổi trưa 29-5 vẫn còn một số sạp bám trụ lại vì hàng tồn chất đầy sạp. Bà Phương, chủ sạp thịt heo tại chợ này, kể: “Trước đây, đầu giờ sáng và tan tầm buổi trưa được coi là đắt hàng nhất nhưng nay chỉ mong vớt vát được chút ít vào buổi sáng, còn lại đành phải bỏ mối cho nhà hàng, quán ăn chứ không thể trông đợi vào khách lẻ”. Theo các tiểu thương, lượng thịt nhập về các sạp tại chợ này vài tháng gần đây giảm hơn phân nửa nhưng hiếm khi bán được hết hàng.
Tương tự tại các chợ Xóm Chiếu (Q.4), Tân Định (Q.1), Tam Bình (Thủ Đức)… hàng loạt tiểu thương giảm lượng nhập hoặc đóng cửa sạp, chuyển đổi ngành nghề trước cơn “bão” ế ẩm liên tục thời gian qua. Bà Trần Thị Thái Thanh, phó ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), cho biết tính đến đầu tháng 5-2012, ngành hàng thực phẩm tươi sống ở chợ đã có tới 100/403 sạp tạm ngưng kinh doanh vì ế ẩm.
Doanh nghiệp bất lực
Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc hệ thống Co.op Mart, cho biết tăng trưởng sức mua của hệ thống đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2011. Tại hệ thống siêu thị Vinatexmart, sức mua giảm sút 7-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Phạm Thị Quỳnh Ny, giám đốc marketing hệ thống siêu thị Vinatexmart, cho biết người dân thắt chặt hầu bao nên chủ yếu mua những mặt hàng thiết yếu và giảm mua các mặt hàng quần áo, túi xách.
Nhiều doanh nghiệp cho biết dù tìm mọi cách để đẩy hàng đi như tăng cường khuyến mãi, giảm giá nhưng người tiêu dùng vẫn dè dặt. Ông Huỳnh Quang Khải, trưởng phòng tiếp thị Xí nghiệp nước chấm Nam Dương, cho biết người tiêu dùng hiện nay chi tiêu ít hơn, trả nợ và tiết kiệm nhiều hơn. “Duy trì được sức mua hiện nay là thách thức với không ít doanh nghiệp chứ chưa nghĩ đến việc tăng trưởng…” – ông Khải nói
Để duy trì hoạt động, theo ông Khải, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chọn biện pháp giảm chi phí sản xuất, tập trung hỗ trợ nhà phân phối phát triển thị trường theo hình thức tuyển nhân viên bán hàng cho nhà phân phối… Bản thân công ty này cũng chủ động xây dựng những chuyến bán hàng lưu động nhằm đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng tại các vùng nông thôn.
Ở vị trí nhà bán lẻ, để tháo gỡ khó khăn, bên cạnh việc đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, ông Nguyễn Thành Nhân cho biết Co.op Mart đã chủ trương rà soát hệ thống, tiết kiệm tối đa chi phí, đồng thời liên kết chặt chẽ hơn nữa với nhà phân phối nhằm hạ tối đa giá thành sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Trong khi đó, hệ thống Vinatexmart cho biết đã tập trung phát triển hệ thống siêu thị mini với diện tích 400-600m2 để tiết kiệm và khấu hao nhanh, đặc biệt là dễ kiếm mặt bằng. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Quỳnh Ny cho biết từ đầu năm đến nay, sức mua tại hệ thống siêu thị này vẫn không tăng mà ở mức bão hòa.
D.TUẤN – Đ.DÂN – N.BÌNH
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)