Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tận dụng cơ hội trong… khủng hoảng

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm khủng hoảng là thời điểm giá cả vật tư, thiết bị, chi phí thuê mặt bằng rất rẻ.
Thời điểm kinh tế khủng hoảng, giá sản phẩm, thiết bị công nghệ giảm mạnh. Các doanh nghiệp (DN) cung cấp thiết bị có nhiều chính sách ưu đãi như cho trả chậm, hay thêm hoa hồng cho đối tác đầu tư. Nếu DN có chính sách đầu tư công nghệ đúng đắn, thì đây là thời điểm đầu tư có lợi.
Hưởng lợi thế từ chi phí giảm
Mặc dù chuẩn bị từ khoảng 2-3 năm trước thế nhưng Công ty chuyên cung cấp tên miền Mắt Bão vẫn chần chừ vì chi phí đầu tư tổng đài trực tuyến, cho khách hàng thực hiện giao dịch qua Internet quá cao. Ông Lê Hải Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Mắt Bão, cho biết: “Trước đây việc không có hệ thống thanh toán trực tuyến là một điểm yếu của Mắt Bão. Nhận thấy thời điểm kinh tế khó khăn là lúc giá vật tư giảm mạnh, chúng tôi đã đầu tư ngay 2,5 tỉ đồng để phát triển hệ thống tổng đài kinh doanh này. Thời điểm khủng hoảng kinh tế thật ra cũng là thời điểm có lợi. Chẳng hạn, một số thiết bị liên lạc tổng đài trước đây có giá khoảng 120 USD/cái thì hiện nay chỉ còn khoảng 90 USD. Chúng tôi quyết định mạnh dạn đầu tư thật nhanh, vì nếu chậm hơn, kinh tế phục hồi thì giá sẽ lại đội lên cao”.
DN Colusa – Miliket nhờ đầu tư tiết kiệm năng lượng đã có thể dùng chi phí tiết kiệm được để thực hiện chiến lược thương hiệu. Ảnh: BÁ HUY
Không chỉ các DN kinh doanh, các DN sản xuất cũng bắt đầu xem khó khăn là cơ hội. Công ty Colusa – Miliket đang có kế hoạch kết hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM đầu tư lớn, khép kín quy trình sản xuất trong mặc dù trước đó, DN này đã đầu tư khép kín ở nhiều công đoạn.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Colusa – Miliket, trước đây môi trường sản xuất chưa tốt, gây ô nhiễm, dẫn đến việc sản xuất ít hiệu quả. Công ty quyết định hướng đến việc sản xuất sạch. “Thế nhưng trong quá trình cải tạo hệ thống, ban giám đốc nhận thấy cần phải cải thiện công nghệ sản xuất. Cụ thể như phải thay lò hơi, khép kín các quy trình sản xuất để không thất thoát năng lượng. Nhờ quá trình cải thiện, năm 2011, công ty đã tiết kiệm được khoảng 3 tỉ đồng/ năm” – ông Tuấn nói.
Trong khi hàng loạt hệ thống siêu thị điện máy thu nhỏ tầm hoạt động, thậm chí đóng cửa thì đại diện hệ thống siêu thị dienmay.com nhận định: Đây thời điểm thích hợp đầu tư mở rộng. Theo đại diện của dienmay.com, mô hình hoạt động giúp tiết giảm tối đa chi phí thuê mặt bằng, chi phí vận hành thấp do quy mô siêu thị vừa phải, kết hợp giữa kinh doanh online và offline khiến chi phí hàng tồn kho giảm đáng kể…
“Phải biết mình là ai”
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Colusa – Miliket, phân tích: “Tình hình kinh tế khó khăn, thị trường cạnh tranh càng khốc liệt, chúng tôi hiểu mình là thương hiệu Việt ít vốn, bị sức ép lớn của các DN cùng ngành. Đặc biệt, thị trường lại xuất hiện sự cạnh tranh khốc liệt của các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng tôi xác định mình phải là một DN sản xuất sạch, có công nghệ tiết kiệm năng lượng tốt và dùng chi phí tiết kiệm năng lượng để thực hiện các chương trình khuyến mãi và phát triển thương hiệu”.
Siêu thị dienmay.com thì hướng đến sự đón đầu. Ông Đinh Anh Huân, Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị này, khẳng định: Khi thị trường khôi phục trở lại thì dienmay.com đã có sẵn hệ thống để phục vụ. “Thuận lợi trong thời điểm khó khăn là tìm mặt bằng dễ hơn, đẹp và giá cả hợp lý hơn, bên cạnh đó các chi phí đầu tư sẽ giảm rất nhiều”.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung Tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, chia sẻ: Thời điểm khủng hoảng, không phải DN nào cũng gặp khó. DN nào tỉnh táo đầu tư công nghệ vào lúc này thì đó là một sự tính toán không ngoan, bởi họ sẽ được nhiều ưu đãi hơn từ các nhà cung cấp giải pháp, chẳng hạn như cho mua thiết bị trả dần, bán thiết bị giá rẻ…
Dịch vụ bỏ vốn đầu tư giùm
Trong thời điểm khó khăn, thị trường xuất hiện nhiều dòng vốn rót cho DN đầu tư khá mới. Đơn cử như Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư năng lượng Việt (Viet Esco) hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, cung cấp giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đây là dự án được hưởng cơ chế bù đắp tín dụng song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nếu dự án được duyệt, DN sẽ có được hệ thống tiết kiệm năng lượng mới hoàn chỉnh mà không phải bỏ tiền đầu tư. Viet Esco sẽ thu xếp trọn gói dịch vụ và sẽ lấy lợi tức từ tỉ lệ năng lượng tiết kiệm được. Được biết, hiện nay Viet Esco đã có khoảng 40 khách hàng sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp, tòa nhà, chiếu sáng công cộng.
BÁ HUY (PL)

Bình luận (0)

Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tận dụng cơ hội trong khủng hoảng

Tạp Chí Giáo Dục

Cơn lốc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã "càn quét" tới các DN trên tất cả các ngành sản xuất. Trong bối cảnh đó, thị trường thép nói chung và thị trường tấm lợp nói riêng chịu không ít khó khăn. Vượt khủng hoảng, tìm cơ hội và khẳng định thương hiệu trên thị trường tấm lợp như thế nào không phải điều đơn giản. Ông Phạm Hồng Quang – giám đốc điều hành Cty Austnam chia sẻ với DĐDN xung quanh vấn đề này.

Ông Quang khẳng định: vai trò của thương hiệu là vô cùng quan trọng, là điều kiện sống còn của một DN. Thương hiệu không thể tồn tại và phát triển chỉ thông qua các chiến dịch marketing mà phải bằng uy tín và chất lượng sản phẩm được kiểm chứng trong suốt bề dày lịch sử của DN.

– Vậy Austnam chinh phục khách hàng bằng chiêu gì trong chiến lược của mình ?

Chất lượng của sản phẩm và dịch vụ là điều kiện tiên quyết giúp Austnam tiếp cận và chinh phục khách hàng. Mỗi sản phẩm chúng tôi đưa ra thị trường đều là kết tinh của quá trình tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm để đảm bảo rằng sản phẩm đó không chỉ bền mà còn phải đẹp. Đồng thời nó đã được “nhiệt đới hóa” để tồn tại lâu dài, vững vàng trước mọi thời tiết khắc nghiệt ở miền Bắc.

Ngoài ra, chất lượng dịch vụ của Austnam cũng đã và đang được đầu tư để hoàn thiện. Mạng lưới đại lý chúng tôi hiện có mặt trên các tỉnh miền bắc, đảm bảo cung ứng cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi với chất lượng tốt nhất.

– Như vậy không có nghĩa là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới không tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Austnam ?

Ông Phạm Hồng Quang – giám đốc điều hành Cty Austnam chia sẻ: "Cuộc khủng hoảng lần này mang tính thanh lọc thị trường rất cao, nó loại bỏ những DN không có năng lực thực sự, làm cho các bong bóng thương hiệu bị vỡ. Các thương hiệu còn trụ vững được sau cơn bão sẽ là những DN có tiềm lực và năng lực thực sự".

Austnam  không là ngoại lệ. Tuy nhiên, do làm tốt công tác quản trị chuỗi cung ứng và cơ chế tồn kho hợp lý, tổn thất của Austnam không quá nặng nề. Chúng tôi cũng áp dụng một số biện pháp để đối phó với khủng hoảng kinh tế như:  rà soát toàn bộ quy trình theo hướng tối ưu hóa như: quy trình bán hàng, quy trình sản xuất… nhằm loại bỏ những quy trình, công đoạn thừa, bất hợp lý để giảm thiểu chi phí; tái cơ cấu hệ thống để đảm bảo bộ máy vận hành tốt hơn…

– Tuy nhiên, người ta thường nói trong khủng hoảng có cơ hội. Austnam đã nhìn ra cơ hội từ cuộc khủng hoảng này như thế nào, thưa ông ?

Cuộc khủng hoảng lần này mang tính thanh lọc thị trường rất cao, nó loại bỏ những DN không có năng lực thực sự, làm cho các bong bóng thương hiệu bị vỡ. Các thương hiệu còn trụ vững được sau cơn bão sẽ là những DN có tiềm lực và năng lực thực sự. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh sau khủng hoảng sẽ rẽ sang hướng mới cao hơn, thay vào cuộc cạnh tranh về sản phẩm và giá do có quá nhiều nhà cung ứng trước khủng hoảng là cuộc cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ khách hàng. Sản phẩm lúc này chỉ đóng vai trò truyền tải dịch vụ của DN đến với khách hàng.

Cơ hội của chúng tôi cũng rất lớn. Đó là tận dụng thị trường trống bỏ lại sau khi các DN kém tiềm năng chết yểu. Đó là niềm tin của người tiêu dùng đối với chúng tôi tăng lên, họ đã và đang trở lại với chúng tôi ngày một nhiều. Đó là sự hồi phục rất tích cực của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản do chính sách kich cầu của chính phủ đã và đang phát huy tác dụng. Cuối cùng, đó là cam kết rất mạnh mẽ của ban giám đốc và các nhà đầu tư vào chiến lược “tăng cường đầu tư theo chiều sâu để phát triển và đón đầu thị trường sau khủng hoảng” của chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi phát triển ngay trong khủng hoảng.

– Vậy ông nhận định thế nào về thị trường tấm lợp xây dựng tại VN trong 6 tháng cuối năm 2009 ?

Theo tôi, thị trường tấm lợp 6 tháng cuối năm sẽ rất phát triển. Ngay từ lúc này chúng ta đã nhìn thấy tín hiệu hồi phục của nền kinh tế thông qua sự ấm lên của thị trường xây dựng. Có được điều này là do chính sách kích cầu của Chính phủ rất đúng lúc, đúng chỗ và đúng thời điểm để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Với Austnam, chúng tôi nhận thấy rằng đây là thời điểm thích hợp để chúng tôi bứt lên dẫn đầu thị trường. Do đó chúng tôi quyết định tăng cường đầu tư vào chiều sâu để phát triển. Chúng tôi đầu tư vào sản phẩm và sẽ ra mắt các sản phẩm mới với các tính năng ưu việt.
 
– Xin cảm ơn ông!
Thu Hạnh (dddn)