Nhiều nhóm tàu khai thác thủy sản đạt hiệu quả thấp, mức tiêu hao nhiên liệu lớn, sản phẩm có giá trị thấp và chủ yếu là khai thác ven bờ dẫn đến tình trạng thua lỗ kéo dài, phải nằm bờ.
Thông tin trên vừa được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đưa ra tại hội thảo“Kinh nghiệm phát triển hợp tác xã thủy sản các nước trên thế giới và Việt Nam” do Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam và Tổ chức HTX nghề cá quốc tế (ICFO) tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 15-6.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có hơn 500 HTX hoạt động nghề cá, hai liên hiệp HTX; trong đó vùng ĐBSCL có 155 HTX với 336.000 hộ tham gia. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các HTX này còn yếu kém, hoạt động không chuyên nghiệp – hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Hầu hết các HTX này đều trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động về năng lực tài chính để mở rộng quy mô hoạt động cũng như các dịch vụ hậu cần khác.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết hoạt động khai thác thủy sản ở Việt Nam vẫn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn do thời tiết mưa bão, áp thấp nhiệt đới. Tình trạng đánh bắt bất hợp pháp vẫn diễn ra phổ biến dưới các hình thức như đánh bắt bằng chất nổ, lưới kéo có kích thước mắt lưới nhỏ, đánh bắt ở những vùng nước cấm hoặc hạn chế khai thác, làm giảm nguồn lợi thủy sản. Việc tranh chấp ngư trường khai thác giữa các nhóm nghề (lưới kéo với các nghề vây, nghề cố định…) và tàu thuyền giữa các địa phương khiến hiệu quả kinh tế không cao…
Tại hội thảo, các chuyên gia về khai thác, nuôi trồng thủy sản đến từ các nước đã phân tích những khó khăn của ngành thủy sản thế giới như ô nhiễm nước biển, giá dầu tăng cao, sụt giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên, sự ấm lên toàn cầu… Từ đó, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp để khắc phục, phát triển các mô hình HTX nghề cá theo hướng hiện đại như ở các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Mexico…
TẤN TÀI (PL)
Bình luận (0)