Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khó giải mối lo hàng tồn kho

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1.5.2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 29,4% so với cùng thời điểm năm trước, theo tổng cục Thống kê. Chưa có số liệu thống kê mới hơn, nhưng các doanh nghiệp mà chúng tôi tiếp xúc đều cho bức tranh bi quan khi sức mua kém, tồn kho cao.

Khu chứa hàng thực phẩm công nghệ (gạo, mì gói, dầu ăn, thực phẩm hộp…) của một siêu thị lớn tại TP.HCM có quy mô khoảng 80 tỉ đồng đã bán gần 60 ngày vẫn chưa hết hàng, trong khi thời điểm năm 2010 thì chỉ 35 ngày đã bán hết.

Không chỉ các chợ, nhiều siêu thị cũng đang đối mặt tình trạng ế ẩm.

Ảnh: Thanh Hảo

Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tiến hành khảo sát (từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6.2012) hàng trăm người tiêu dùng, tiểu thương ở các chợ, nhà kinh doanh siêu thị, và tổng kết: không chỉ các tiểu thương ở chợ mà nhiều hệ thống siêu thị cũng đang phải đối mặt với tình trạng hàng hoá khó tiêu thụ do sức mua sụt giảm. Có tới 40% số người thường xuyên mua sắm qua siêu thị cho biết tần suất đi siêu thị của họ đang giảm dần; những người có thói quen mua sắm ở chợ cũng có tới 27% giảm số lần đi chợ…

Tại hệ thống siêu thị Vinatexmart, doanh thu bán lẻ sáu tháng đầu năm chỉ tăng 11% so với cùng kỳ 2011, mức tăng này khá thấp so với các năm trước luôn trên 20%. Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Co.opmart cho biết, doanh thu của Co.opmart sáu tháng đầu năm cũng thấp hơn kỳ vọng 10%.

Sức tiêu thụ trên thị trường giảm đã dẫn đến hiện tượng: lần đầu tiên ngành chăn nuôi chứng kiến nhiều đàn heo, gia cầm quá lứa đang tồn ứ lên đến hàng triệu con. Đàn gà thịt của công ty C.P tồn ở các trại đã tăng thêm 1 triệu con (tính đến hết tháng 6.2012), từ mức bình quân 2,7 triệu con/tháng lên 3,7 triệu con/tháng. Số heo quá lứa còn tồn đọng ở C.P hiện có khoảng 160.000 con.

Theo ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm Đồng Nai, lượng thịt heo cung cấp cho các siêu thị giảm 20% so với năm ngoái. Còn ông Nguyễn Quốc Trung, tổng giám đốc công ty chăn nuôi Japfa, bi quan: “Giá cả và sức mua yếu từ tháng 10 năm ngoái cho đến nay. Hiện vẫn chưa thấy có tín hiệu nào sáng sủa”.

Trước câu chuyện hàng tồn kho cao, số doanh nghiệp phá sản gia tăng, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Doanh nghiệp có tâm lý hô hào Nhà nước hỗ trợ, nhưng Nhà nước lấy gì mà cứu? Chống lạm phát thì đương nhiên phải cắt giảm cầu, đương nhiên giảm sức mua của dân chúng”.

Ông Cung cho rằng, chắc chắn Nhà nước sẽ không có gói cứu trợ để “cứu” hàng tồn kho. Theo ông, doanh nghiệp trước sau gì cũng phải bán, hoặc là đổ đi. Xử lý vấn đề này cần phải gắn với xử lý nợ xấu của ngân hàng, ưu tiên hàng đầu là trong sản xuất một ngành nào đó, ví dụ như nông nghiệp, hay công nghiệp chế biến. Chứ không phải xử lý cho dự án của các đại gia đang dở dang, tức là lấy tiền của người nghèo đi hỗ trợ người giàu. Vì thế các doanh nghiệp cần phải hạ giá, bán rẻ mới giải phóng được hàng tồn.

Doanh nghiệp phải chịu lỗ nhưng hàng được giải phóng, tức là doanh nghiệp tiếp tục quay vốn, có cơ hội kinh doanh mới, theo ông Cung, dòng vốn sẽ được luân chuyển, không bị ứ đọng, tạo nên giá trị gia tăng, công ăn việc làm.

Theo SGTT.VN

Bình luận (0)