Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá điện điều chỉnh tăng, giảm ba tháng/lần

Tạp Chí Giáo Dục

EVN sẽ đảm nhận họp báo công bố điều chỉnh giá điện. Sẽ điều tiết cung cầu hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Tại buổi họp báo thường kỳ sáu tháng đầu năm 2012 của Bộ Công Thương diễn ra chiều 9-7, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cho rằng lần điều chỉnh tăng giá điện thêm 5% vào ngày 1-7 của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) là đúng theo quy định và hợp lý. Sắp tới thực hiện theo thị trường điện cạnh tranh, giá điện sẽ có thể giảm tùy theo điều kiện thị trường.
EVN có trách nhiệm công khai giá điện
Vào cuối tuần trước, Bộ Tài chính nhấn mạnh EVN tăng giá điện 5% là hợp lý và cho rằng việc nhận định tăng giá điện thêm 5% không có cơ sở thuyết phục là chưa thấu đáo và thiếu cơ sở.
Ông Đặng Huy Cường cho biết việc EVN điều chỉnh giá điện từ ngày 1-7 tuân thủ đầy đủ điều kiện theo quy định của Quyết định 24 Chính phủ và Thông tư 31 hướng dẫn thực hiện điều hành giá điện theo thị trường với các thông số đầu vào tương ứng. Quan trọng hơn, trước khi EVN tăng giá điện đã được sự giám sát chặt chẽ của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Sau khi điều chỉnh giá điện, EVN có trách nhiệm công bố công khai giá điện và thông số đầu vào.
Trước thắc mắc của báo giới về tính mập mờ trong tăng giá điện khi Bộ Công Thương và EVN không tổ chức họp báo như trước đây và chưa giải thích con số đầu vào cụ thể tăng giá điện để người dân biết rõ, ông Đặng Huy Cường nói: “EVN được giao tính toán các thông số đầu vào nên họ có trách nhiệm công bố các thông số, cụ thể ra sao thì cứ đi hỏi EVN. Việc điều chỉnh giá điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường, nghĩa là điều chỉnh giá điện sẽ theo nguyên tắc ba tháng một lần, trong đó có thể tăng hoặc giảm tùy vào điều kiện thị trường”. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải chia sẻ: “Sắp tới họp báo công bố điều chỉnh giá điện sẽ do EVN đảm nhận. Điều chỉnh giá điện sẽ thực hiện ba tháng/lần nhưng sẽ cân nhắc điều kiện thực tế, Bộ sẽ không thay đổi nhanh quá, có thể giảm giá nữa chứ không chỉ tăng”.
Hoạt động dưới sự giám sát của Cục Điều tiết
Theo một số chuyên gia kinh tế, lần điều chỉnh tăng giá điện 5% từ ngày 1-7 nói là bất ngờ nhưng xem ra lại không hề bất ngờ chút nào bởi trước đó một tháng, thông tin tăng giá điện gồm ba phương án với mức trên dưới 5%-10% đã được tiết lộ. Vấn đề tăng vào lúc nào chỉ là thời gian. Theo quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng, cứ ba tháng nếu giá các thông số cấu thành giá điện tăng 5% thì EVN chủ động đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ. Tính từ thời điểm tăng giá gần nhất vào ngày 20-12-2011 đến nay đã tròn hai chu kỳ được phép tính toán thông số đầu vào.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những lý do mà Bộ Công Thương và EVN đưa ra cho lần tăng 5% vừa qua xem ra chưa rõ ràng. Bộ Công Thương cho rằng lần tăng giá điện này dựa trên các thông số đầu vào đều tăng, cụ thể giá than cho sản xuất điện đều tăng 10%-11,5% tùy loại; giá dầu DO và tỉ giá USD tăng; nhưng trên thực tế, giá các mặt hàng đầu vào này lại không hề biến động, thậm chí có chiều hướng giảm.
Cũng tại buổi họp báo, những nghi ngại về tính minh bạch khi mà thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành nhưng mọi khâu từ mua bán, truyền tải đều do EVN đảm nhận đã được đặt ra. Ông Cường lý giải, điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động đến cả nền kinh tế nên thị trường điện phải được thực hiện từng bước. Dù các khâu vận hành nằm trong EVN và đây là đơn vị mua, bán duy nhất nhưng các đơn vị trong đó đều bình đẳng khi xếp lịch theo giá chào và minh bạch cơ chế, độc lập tài chính. “Hoạt động của thị trường có sự giám sát của Cục Điều tiết, không có chuyện đối xử thiếu công bằng” – ông Cường nói.
Sẽ điều tiết cung cầu hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sáu tháng qua hàng tồn kho tăng cao, giá một số hàng hóa nông sản xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng việc tiếp cận vốn rẻ của doanh nghiệp còn hạn chế… đã có tác động nhất định đến giá thành sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, cũng như các chương trình đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trước mắt doanh nghiệp sản xuất cần tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa… Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều tiết cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Sáu tháng năm 2012, giá hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm 2011: Cao su giảm 31,6%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 16,5%, hạt điều giảm 10,1%… Nhóm hàng nông sản xuất khẩu do giá xuất khẩu giảm đã làm giảm 916 triệu USD kim ngạch xuất khẩu; giá mặt hàng than đá giảm đã làm giảm 61 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.
TRÀ PHƯƠNG (PL)

Bình luận (0)