Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giải pháp tránh tùy tiện tăng giá xăng dầu

Tạp Chí Giáo Dục

Hoa hồng đại lý không vượt quá 50% chi phí kinh doanh; doanh nghiệp không được giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định 84 năm 2009 liên quan đến chiết khấu hoa hồng đại lý, cách tính giá cơ sở và sử dụng quỹ bình ổn giá trong kinh doanh xăng dầu.
Đưa lợi nhuận định mức ra khỏi giá cơ sở
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Điều 22 theo hướng tính giá cơ sở phù hợp với tần suất điều chỉnh giá (10 ngày) và số ngày dự trữ lưu thông (30 ngày). Đề xuất này cũng đưa lợi nhuận định mức ra khỏi giá cơ sở để minh bạch tình hình lỗ, lãi của doanh nghiệp (DN), đồng thời khống chế mức lợi nhuận dành cho tổng đại lý, đại lý. Cụ thể, lợi nhuận định mức tối đa là 300 đồng/lít, trong đó lợi nhuận dành cho tổng đại lý, đại lý tối đa là 100 đồng/lít.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết Nghị định 84 quy định thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu 10 ngày đối với trường hợp tăng, giảm giá sẽ tạo ra độ vênh với số ngày tính giá cơ sở bình quân (30 ngày). Do đó, hướng sửa đổi sắp tới sẽ phải nghiên cứu quy định tính giá cơ sở bình quân 10 ngày.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, lợi nhuận định mức xăng dầu được đưa ra ngoài giá cơ sở để minh bạch tình hình lỗ, lãi của doanh nghiệp. Ảnh: HTD
Khống chế hoa hồng cho đại lý
Về thù lao hoa hồng cho đại lý, theo quy định hiện hành, mức thù lao đại lý do các DN kinh doanh đầu mối tự thỏa thuận. Bộ Tài chính cho rằng điều này dẫn đến tình trạng mỗi DN quy định một kiểu, có những DN quy định mức thù lao cao hơn mức chi phí kinh doanh được Nhà nước cho phép (600 đồng/lít xăng dầu, dầu diesel; 400 đồng/kg dầu mazut) để cạnh tranh, giành thị phần, tạo sự phức tạp, lộn xộn của thị trường bán lẻ xăng dầu.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất nâng chi phí bán lẻ bình quân trong nước, cụ thể: Chi phí bán lẻ ở địa bàn gần cảng nhập khẩu và gần nhà máy chế biến xăng trong nước tối đa 860 đồng/lít. Chi phí bán bẻ bình quân ở các địa bàn khác bằng 860 đồng/lít + tối đa 2% mức giá bán lẻ xăng dầu ở địa bàn gần cảng nhập khẩu…
Trong chi phí bán lẻ được nâng lên thì thù lao dành cho tổng đại lý khi giao hàng tại cửa hàng (đã bao gồm VAT) tối đa không quá 50% mức chi phí bán lẻ bình quân nói trên.
Với cách khống chế này, nếu được chấp thuận, người tiêu dùng sẽ có thể được lợi vì giá xăng bán lẻ không phải “gánh” cả phần hoa hồng do DN đầu mối phóng tay chi cho đại lý.
Đưa quỹ bình ổn về kho bạc quản lý
Về quỹ bình ổn giá, Bộ Tài chính nhận thấy do quỹ để phân tán tại các DN nên việc kiểm soát số dư của quỹ rất phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Quỹ để tại DN khiến DN vẫn có thể tạm sử dụng nguồn lực này vào mục đích khác. Bộ Tài chính đề xuất việc quản lý quỹ sẽ tập trung tại Kho bạc Nhà nước thay vì để tại DN.
Trao đổi với PV, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng đồng tình với phương án trao quỹ bình ổn giá về kho bạc quản lý.
Trước đó, tháng 11-2011, tại một hội thảo về điều hành giá xăng dầu, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, cũng đã nhấn mạnh việc ủy thác quản lý thu, trích lập và chi dùng quỹ cho DN tạo nhiều kẽ hở cho sự lạm dụng. Ông Phong đã đề xuất: “Phải coi quỹ này là quỹ quốc gia và phải được quản lý trực tiếp, tập trung bởi hội đồng quỹ liên ngành và trực thuộc một cơ quan quản lý nhà nước, tốt nhất là giao Bộ Tài chính hoặc Bộ Công Thương”.
Trích hoa hồng khủng, chi quỹ bình ổn lố
Theo kết quả kiểm tra tình hình kinh doanh xăng được Bộ Tài chính công bố ngày 19-12-2011, các DN đầu mối trích hoa hồng quá cao cho các đại lý. Có những lúc các khoản trích hoa hồng vượt quá định mức chi phí kinh doanh. Tại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (PVOil), nhiều thời điểm số tiền trích thù lao cho đại lý, tổng đại lý tại đơn vị này rất cao, lên tới 900 đồng/lít, vượt mức tổng chi phí cho phép được chi là 600 đồng/lít. Mức trích thù lao đại lý tại Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp trong tháng 6-2011 cũng cao vượt mức 600 đồng/lít, ở mức 867,29 đồng/lít…
Tháng 10-2011, Kiểm toán Nhà nước hoàn tất việc kiểm toán tại 10 DN đầu mối xăng dầu. Kết quả kiểm toán đã xác định năm 2009, các DN đã trích hơn 1.006 tỉ đồng, vượt so gần 36 tỉ đồng với 970,9 tỉ đồng được trích. Năm 2010, các DN trích vượt gần 22,2 tỉ đồng.
TS
Lợi nhuận định mức không thể nằm ngoài giá cơ sở!
Nếu đưa lợi nhuận định mức của DN (hiện là 300 đồng/lít) ra khỏi giá cơ sở thì chưa phù hợp. Bởi lẽ khi đã công bố với người tiêu dùng về công thức để điều hành giá bán, phải đầy đủ các yếu tố đầu vào. Trong đó, việc nêu rõ DN có lợi nhuận bao nhiêu sẽ giúp người tiêu dùng so sánh được giá cơ sở với giá bán lẻ.
Hiện DN đã được trao quyền định giá, theo đó giá cơ sở sẽ thường xuyên được công khai, minh bạch. Nhưng nay bỏ đi lợi nhuận định mức khỏi giá cơ sở thì DN lại phải mở ngoặc giải thích thêm rằng “giá này chưa có lợi nhuận” hay sao?
Về cơ chế tính giá 10 ngày, Petrolimex không phản đối. Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế này thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải thống nhất lại rằng sẽ lấy chu kỳ nào để quyết định điều hành giá, bởi hiện quy định tồn kho đang là 30 ngày.
Ông TRẦN NGỌC NĂM, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu  Việt Nam (Petrolimex)
TRÀ PHƯƠNG – MAI PHƯƠNG (PL)

Bình luận (0)