Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Người gửi xe chịu thiệt

Tạp Chí Giáo Dục

Việc quản lý dịch vụ giữ xe hiện còn lỏng lẻo khiến người gửi xe luôn nơm nớp sợ bị mất xe, “luộc” đồ hoặc bị “chặt chém” tiền gửi xe. Vừa qua rất nhiều bạn đọc bức xúc phản ảnh đến Tuổi Trẻ về tình trạng trên.

Thẻ xe, càvẹt, chìa khóa của chiếc xe SH của ông Quý đã bị mất vào sáng 21-7 –  Ảnh: Ngọc Khải
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM và các quận, huyện, toàn TP hiện có hơn 2.600 bãi giữ xe. Trong đó có đến 60-70% là bãi giữ xe chiếm dụng lòng đường, vỉa hè (có phép và không phép), tận dụng các công trình đang xây dựng.
Giữ xe bằng niềm tin
Công an P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết đang hoàn tất đề xuất để chuyển giao cơ quan điều tra hồ sơ vụ mất xe SH ở bãi giữ xe Phòng Công chứng số 5 (trên đường Nguyễn Văn Nghi, P.7, Q.Gò Vấp) sáng 21-7. Bước đầu Công an P.7 nhận định chiếc xe SH của ông Lương Văn Quý (ngụ P.Linh Tây, Q.Thủ Đức) đã bị đánh tráo bằng chiếc xe máy cũ. Hiện Công an P.7 đang tạm giữ một số tang vật liên quan.
Khoảng 9g15 sáng 21-7, ông Quý gửi xe SH tại bãi giữ xe Phòng Công chứng số 5 để làm thủ tục công chứng mua bán chiếc xe này. Khoảng 10g45 đi ra tìm xe thì xe đã bị mất. Đại diện Phòng Công chứng số 5 cho biết bãi giữ xe trên đã được phòng công chứng đấu thầu và ký hợp đồng với ông Phát giữ xe. Trước mắt phía phòng công chứng sẽ hối thúc bên bãi giữ xe bồi thường thiệt hại cho khách gửi xe. Trao đổi qua điện thoại, ông Phát, người ký hợp đồng giữ xe với Phòng Công chứng số 5, cho biết theo thương lượng ban đầu bãi giữ xe sẽ đền bù 90 triệu đồng sau 30 ngày, tuy nhiên người mất xe chưa thống nhất.
Ông Quý mất xe trong bãi xe của phòng công chứng, còn trên TP có rất nhiều bãi giữ xe không phép chiếm dụng vỉa hè, mặt bằng công trình xây dựng dở dang, khi gặp “sự cố” người gửi xe có thể bị thiệt thòi nhiều hơn. Tại nhiều bãi giữ xe, người gửi xe chỉ được nhận vé giữ xe là mẩu giấy nhỏ ghi ngày tháng, biển số xe. Hầu hết các bãi giữ xe không được trang bị camera quan sát, nhận diện người gửi hay đặc điểm xe. Thậm chí có bãi giữ xe còn nói khi xe bị tráo phụ tùng thì “người giữ xe phải chịu”.
Tại một bãi giữ xe trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1), giá giữ ôtô 1,5 triệu đồng/tháng. Nhưng khi chúng tôi đề cập đến hợp đồng giữ xe để xác định trách nhiệm hai bên, phòng khi xảy ra sự cố, mất xe thì bà chủ bãi xe nói: “Không. Tin tưởng thì em gửi thôi”.
Theo số liệu kiểm tra của các quận, huyện, thời gian qua đã phát hiện hơn 400 bãi giữ xe không phép và gần 400 bãi thu quá giá. Q.1 là địa phương có nhiều bãi giữ xe nhất với 1.192 bãi (chiếm 45%) và cũng là nơi có tình hình giữ xe khá phức tạp. Từ đầu năm tới nay, Q.1 đã giải tỏa 35 điểm thu phí quá giá, xử phạt hơn 750 triệu đồng. Tuy nhiên việc xử phạt như vừa qua chưa giải quyết được vấn đề bát nháo tại các bãi giữ xe hiện nay.
Nên quy định là loại hình kinh doanh có điều kiện
Theo ông Phan Trọng Hùng – chánh thanh tra xây dựng Q.1, có thể quy định chủ các bãi giữ xe cần phải đóng một khoản tiền thế chấp để buộc họ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp làm mất xe hay “luộc” xe của khách. Hiện nay giao dịch giữa chủ bãi giữ xe và người gửi là giao dịch dân sự nên khi bị mất đồ, người gửi xe thường phải ra UBND phường, xã trình báo và cơ quan này đứng ra hòa giải. Nếu chủ bãi giữ xe không chịu bồi thường hoặc bồi thường không thỏa đáng, chủ xe có thể kiện ra tòa. Nhưng phần lớn người dân đều có tâm lý ngại vì việc kiện ra tòa mất nhiều thời gian. Nếu buộc các chủ bãi giữ xe đóng tiền thế chấp, khi xảy ra sự cố các cơ quan chức năng sẽ “nắm” các chủ bãi xe để yêu cầu họ chịu trách nhiệm giải quyết cho khách hàng.
Cục Thuế TP và Sở GTVT TP hiện nay đã có quy định yêu cầu các điểm kinh doanh trông giữ xe phải sử dụng vé do cơ quan thuế phát hành nhưng nhiều điểm giữ xe vẫn bất chấp quy định, dùng những loại vé tự làm không hề có giá trị pháp lý cũng như không có căn cứ để thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Hội Luật gia TP.HCM), phiếu giữ xe được coi là một hợp đồng dân sự nhưng tại nhiều bãi giữ xe, vé giữ xe không thể hiện được đơn vị chủ bãi giữ xe, không ghi loại xe của người gửi… nên khi xảy ra tranh chấp (do mất xe, mất luôn giấy tờ do bỏ trong cốp xe) thì người gửi xe chịu thiệt, mất thời gian đi trích lục hồ sơ, chứng minh giá trị xe… Còn đối với các trường hợp bị mất hoặc bị đánh tráo phụ tùng tại bãi giữ xe, về nguyên tắc chủ bãi giữ xe cũng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên để được bồi thường, người gửi xe phải chứng minh sự việc tráo phụ tùng xảy ra tại bãi giữ xe. Điều này là không thể nếu các bãi xe không trang bị camera hoặc thiết bị chụp lại hình dáng xe.
Theo luật sư Hậu, đã đến lúc phải coi việc giữ xe là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Người chủ bãi giữ xe phải có lý lịch tư pháp rõ ràng, những bãi giữ xe từ 50 chỗ trở lên phải trang bị các thiết bị quan sát theo dõi, nhận dạng xe (gắn camera chụp hình xe, thẻ xe làm bằng thẻ từ…), đồng thời người chủ bãi giữ xe khi đăng ký giấy phép kinh doanh phải ký quỹ (dùng để bồi thường khi làm mất xe). Bên cạnh đó mẫu, phiếu giữ xe phải do cơ quan nhà nước mà cụ thể là Cục Thuế TP ban hành.
Theo Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)