Khoảng một tháng trở lại đây, tại huyện Tuy An, Phú Yên, tôm thẻ chân trắng và tôm sú hơn một tháng tuổi, được nuôi trên diện tích gần 200 ha, bỗng dưng chết hàng loạt. Người dân nghi do virus, còn cơ quan chức năng cho rằng tôm nhiễm bệnh gan tụy.
Theo nhiều người dân địa phương, thời gian này đang là mùa gió Nam, rất thuận lợi cho sự phát triển của tôm. Thế nhưng trong tháng 7 đã hơn 6 ha mặt nước có tôm chết. Tiếp đó, những ngày đầu tháng 8, tại 193 ha tôm nuôi, tôm bỗng dưng nổi đỏ đìa và chỉ sau một thời gian ngắn là chết, người nuôi mất trắng hoàn toàn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy An, vụ tôm thứ hai trong năm 2012, nông dân toàn huyện đã thả nuôi 480 ha. Mỗi ha, nông dân đầu tư ít nhất 600 triệu đồng. Thiệt hại tạm tính trong lần dịch bệnh này lên đến hơn120 tỷ đồng.
Ông Đặng Văn Nam, chủ hai hồ nuôi tôm (hơn 1 ha) ở thôn Tân Hòa, xã An Hòa than thở: "Cách đây hơn một tuần lễ, tôm nuôi nổi lên hàng loạt, thân đỏ quạch, gia đình không kịp cứu nên mất trắng hoàn toàn. Tôm nuôi đã hơn một tháng tuổi, còn hai tháng nữa là xuất bán. Nếu tôm không chết mà phát triển khỏe mạnh thì với giá bán hiện tại 83.000 đồng/kg, trừ chi phí, chúng tôi có thể lãi gần 700 triệu đồng". Còn anh Trần Đình Tá buồn rầu: "Khi phát hiện tôm nhiễm bệnh, tôi đã chạy máy sục khí liên tục cả ngày lẫn đêm, hy vọng vớt vát được phần nào, vậy nhưng chúng vẫn chết. Tiền vay ngân hàng còn treo lơ lửng, tôm chết hết thì lấy gì mà trả lãi mẹ, lãi con”.
Theo nhiều người nuôi tôm có kinh nghiệm ở huyện Tuy An, tôm chết hàng loạt có thể là do một loại virus lạ làm tôm đỏ thân, nổi lên mặt hồ rồi chết, nhanh nhất là vào ban đêm. Tuy nhiên, trong buổi làm việc sáng ngày 7-8, bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho rằng tôm chết hàng loạt có thể là do bị nhiễm bệnh gan tụy.
Hiện hầu hết các xã có nuôi tôm trong huyện đều xảy ra tình trạng tôm bị chết, trong đó nặng nhất là xã An Hòa với gần 40 ha diện tích thả nuôi bị mất trắng. Trong khi chờ kết luận của ngành chức năng, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng phun thuốc khử trùng; đồng thời khoanh vùng, khống chế bệnh, hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm.
M.Tân-T.Vân (CAO)
Bình luận (0)