Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Teo tóp ngành công nghiệp phần cứng

Tạp Chí Giáo Dục

Vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp phần cứng và điện tử tại TPHCM đang có nguy cơ teo tóp. Thực tế này đặt ra câu hỏi: Liệu có nên tiếp tục chiến lược phát triển theo hướng như hàng chục năm qua, hay cần nhanh chóng chuyển hướng để phù hợp với xu thế thời đại?

90% doanh thu ngành CNPC – ĐT nằm trong tay các DN nước ngoài.

“Đất” dụng võ của các DN FDI

Ngành công nghiệp phần cứng – điện tử (CNPC – ĐT) tại TPHCM đã giảm sút vai trò rõ rệt, ít nhất là từ năm 2010 trở lại đây. Theo báo cáo của ông Chu Tiến Dũng – GĐ Hội Tin học TPHCM – tại hội thảo “Toàn cảnh Công nghệ thông tin – Truyền thông VN 2012” vừa tổ chức, năm 2010 toàn ngành này tại TPHCM đạt 26.000 tỉ đồng doanh thu, chiếm tỉ trọng 22% tổng doanh thu cả nước. Sang năm 2011, dù doanh thu tăng lên 38.000 tỉ đồng, nhưng tỉ trọng/doanh thu cả nước sụt giảm mạnh, chỉ còn chiếm 16%. Các DN sản xuất PC có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại doanh thu lớn, nhưng chủ yếu lại tập trung tại các tỉnh khác. Số DN sản xuất PC tại TPHCM chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và lại hầu hết là DN FDI.

Đáng kể nhất trong ngành PC mà các DN VN đang làm là sản xuất, lắp ráp máy tính để bàn, nhưng tỉ lệ nội địa hóa thấp. Làm PC đòi hỏi vốn lớn, song hầu hết các DN VN hạn chế về mặt này, vì thế phải vay ngân hàng, trong bối cảnh lãi suất cao cho nên dẫn đến kém hiệu quả. Trong năm 2011, chỉ có 20% số DN VN làm PC tại TPHCM có lãi. Hơn nữa, sản phẩm máy tính để bàn chỉ còn bán được trong các dự án. Ở phân khúc hộ gia đình và người dùng cá nhân, nhu cầu máy tính để bàn đã giảm mạnh trong vài năm trở lại đây.

Trong khi đó, chỉ tính riêng 5 DN FDI trong lĩnh vực CNPC – ĐT tại TPHCM đã chiếm tới 27,6% (4.066 tỉ đồng) doanh thu trên tổng số 23.397 tỉ đồng doanh thu của 103 DN được khảo sát trong năm 2010. Tỉ lệ này đã tăng lên 38,5% trong năm 2011, tương ứng với doanh thu 13.415 tỉ đồng, tăng hơn ba lần so với năm 2010.

Đi mãi mà chưa thành đường

Con đường do người ta đi lâu mà thành. Nhưng con đường của ngành CNPC – ĐT tại VN đã đi qua gần 20 năm nay mà vẫn chưa đạt được thành công. Từ năm 1995, bắt đầu bằng ngành công nghiệp lắp ráp. Hơn 10 năm sau đó, Sony rút lui khỏi liên doanh lắp ráp tivi, đầu máy video tại TPHCM, cũng là lúc báo hiệu ngành công nghiệp lắp ráp tàn lụi, thay vào đó là nhập khẩu 100%, hoặc sản xuất lắp ráp dưới hình thức đầu tư nhà máy 100% vốn FDI.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường – Vụ trưởng Vụ CNTT Bộ TTTT – năm 2011, doanh thu từ CNPC tại VN đạt 11,3 tỉ USD, chiếm 82% tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT, tăng 101% so với năm 2010. Tuy nhiên, trong con số về giá trị khá lớn trên, thì phần của các DN VN chỉ chiếm khoảng 10%. Ba mảng lớn nhất mang đến tỉ trọng cao nhất trong tổng doanh thu là điện tử – viễn thông, ĐTDĐ, máy tính đều nằm trong tay các DN FDI.

Có vẻ như những người tham mưu hoạch định chính sách và giới chuyên gia đang cảm nhận sự thất bại nhiều hơn, nếu chúng ta cứ tiếp tục lao theo chiến lược xây dựng ngành CNPC – ĐT theo lối tư duy đã vạch ra hàng chục năm trước. Bởi, nếu các DN VN có tự sản xuất ra được tivi, đầu máy… thì với dung lượng thị trường hạn hẹp của VN, giá thành sẽ đội lên cao, khó có thể cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc và một số nước khác. Hơn nữa, khi lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế (R&D) của VN hầu như chưa có gì, thì khó theo kịp các thay đổi mẫu mã, tính năng, công nghệ mới so với các nước trong khu vực.

Một tư duy mới được đưa ra: Tập trung vào chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ xoay quanh các DN FDI lớn, bên cạnh đó đi sâu vào công tác R&D, đầu tư thiết kế và sản xuất một số sản phẩm đặc thù đáp ứng nhu cầu dân sinh tại VN. Đến khi đủ lực, DN VN mới nên thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất PC thông qua liên doanh, mua bán và sáp nhập (M&A).

Thẩm Hồng Thụy

Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)