Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh hoặc không tiếp nhận lao động, co hẹp sản xuất thì mô hình cho các dự án sản xuất vay vốn với điều kiện chủ doanh nghiệp thu nhận lao động nghèo càng phát huy và thể hiện nhiều ý nghĩa khi cả hai bên – doanh nghiệp và người dân nghèo đều có lợi.
Lợi đủ đường
Từ năm 2008 đến nay, chủ cơ sở sản xuất nhôm gia dụng Minh Hòa (khu phố 5, phường 1, quận 8) tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp và không phải thế chấp từ Quỹ xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Bà Tô Thúy Hoa (58 tuổi), chủ cơ sở Minh Hòa đã có nhiều đợt vay vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo và hiện đang được vay 200 triệu đồng, lãi suất chỉ 0,5%/tháng. So với lãi suất ngân hàng đang ở mức cao như hiện nay, thực sự nguồn vốn rẻ và không phải thế chấp tài sản từ Quỹ xóa đói giảm nghèo đã cứu cơ sở bà “một bàn thua trông thấy”, từ đó có điều kiện củng cố sản xuất, mở rộng thị trường.
Các lao động nghèo và cận nghèo được chính quyền địa phương gửi vào làm việc tại Cơ sở nhôm Minh Hòa, quận 8.
Tương tự, để vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận nguồn vốn Quỹ xóa đói giảm nghèo như ông Quách Trường Phát (35 tuổi), chủ cơ sở sản xuất phụ tùng xe gắn máy và thiết bị điện gia dụng ở địa chỉ 214/38 Hàn Hải Nguyên, phường 9, quận 11 cũng nhiều lần vay và đang được vay 150 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Kim Thanh cũng vay 150 triệu đồng để mở rộng quy mô cơ sở sản xuất đèn cầy cưới số 402/4 Hòa Bình, phường 16, quận 11.
Điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi là cơ sở phải tiếp nhận các lao động trong các hộ nghèo ở địa phương làm việc. Theo quy định, cứ tiếp nhận 1 lao động nghèo, cơ sở được vay vốn từ 10 – 15 triệu đồng, tối đa 200 triệu đồng, từ Quỹ xóa đói giảm nghèo.
Ông Quách Trường Phát cho hay, 10 lao động nghèo được địa phương “gửi gắm” ở cơ sở đều có chí thú làm ăn, bền bỉ học hỏi. Bà Tô Thúy Hoa chia sẻ, với điều kiện để được vay vốn như vậy, bà không hề thấy khó khăn, áp lực mà ngược lại rất yên tâm, tin tưởng vào nguồn lao động được chính quyền địa phương thẩm định, giới thiệu. “Ngoài được vay vốn rẻ, việc thu nhận lao động nghèo ở địa phương cũng giúp doanh nghiệp được tiếp nhận nguồn lao động an toàn, gần như không bao giờ xảy ra những chuyện phức tạp về an ninh trật tự như khi thuê lao động trôi nổi bên ngoài, đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với xã hội, có điều kiện chia sẻ trực tiếp khó khăn với người nghèo. Nhất cử tam, tứ tiện” – bà Hoa chia sẻ. Cũng chính vì vậy, bà Hoa hiện đang nhận 25 người nghèo và người cận nghèo ở địa phương vào làm việc, nhiều hơn cả “tỷ lệ” vay vốn.
Kiếm việc gần nhà
Sau nhiều ngày lang thang đó đây song vẫn chưa kiếm việc làm, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Liêm (SN 1977, quê Đồng Tháp) ghé UBND phường 1, quận 8 (nơi anh tạm trú) nhờ chính quyền địa phương giới thiệu công ăn việc làm giúp. Thời điểm đó, cơ sở nhôm Minh Hòa đang làm thủ tục vay vốn và thiếu lao động. Qua giới thiệu của phường, vợ chồng anh Liêm cùng hàng chục lao động được nhận vào làm việc. Hàng ngày, anh Liêm cùng vợ đi bộ tới công ty ở ngay trong khu phố làm việc. Làm việc gần nhà, không mất chi phí, thời gian đi lại, vợ chồng anh Liêm càng có điều kiện chăm sóc con cái, gia đình hơn.
Ông Nguyễn Tăng Minh, Trưởng phòng LĐTB-XH quận 11, cho biết quận đã triển khai chủ trương trên tới từng phường. Hàng năm, quận đều rà soát số lao động nghèo đang thiếu việc làm, nắm bắt nhu cầu việc làm, khả năng đi lại của họ để giới thiệu việc làm phù hợp, ổn định. Đồng thời, quận cũng đặt vấn đề với các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ trên địa bàn.
Sau khi khảo sát, thẩm định, quận hướng dẫn các cơ sở làm phương án, thủ tục vay vốn và trong vòng 7 đến 30 ngày sẽ giải ngân. Hiện mỗi phường có ít nhất 1 dự án vay vốn tiếp nhận lao động nghèo và cả quận có 24 lượt dự án (vay vốn trên 1,1 tỷ đồng) và tạo việc làm cho 105 lao động nghèo với thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.
Bằng cách làm trên, hiện nay quận 8 cũng triển khai 25 dự án được vay vốn với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng, giúp giải quyết việc làm gần 300 lao động nghèo.
Và trên toàn TPHCM, theo ông Trương Văn Lương, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo giảm nghèo tăng hộ khá TPHCM, khoảng 2.200 lao động nghèo được làm việc gần nhà ở 225 cơ sở đang vay vốn (tổng số vốn vay hơn 200 tỷ đồng) từ Quỹ xóa đói giảm nghèo.
Việc hỗ trợ và kết nối để doanh nghiệp và người lao động nghèo gặp nhau như trên vừa giúp lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập vừa giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vững vàng hơn trước thời buổi kinh tế khó khăn. Song có thể thấy, chỉ có 225 cơ sở được vay vốn và giải quyết việc làm hơn 2.200 lao động nghèo qua kênh này là quá ít so với nhu cầu và thực tế doanh nghiệp khát vốn và người lao động nghèo cần việc làm. Do vậy, cần phổ biến rộng mô hình này để ngày càng có nhiều người dân và doanh nghiệp tiếp cận chính sách.
Đường Loan
Theo Lao Động
Bình luận (0)