Mặc dù các ngân hàng đã có những chính sách nới lỏng hạn chế tín dụng đối với thị trường bất động sản, nhưng đến thời điểm này, cơ hội tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản vẫn ở “cửa hẹp”. Tìm nguồn vốn và những giải pháp “hâm nóng” thị trường là nội dung chính tại hội thảo “Giải pháp và cơ hội tiếp cận tín dụng cho thị trường bất động sản” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 12-9, tại Hà Nội.
Tồn kho và thiếu vốn….
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều mang đến hội thảo một nỗi lo trĩu nặng, đó là số lượng hàng tồn quá lớn. Theo thống kê sơ bộ của hơn 60 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội và TPHCM, hiện lượng hàng tồn trị giá hơn 84.000 tỷ đồng, chiếm tới xấp xỉ 46% tổng tài sản của các doanh nghiệp này. Như tại Công ty CP Nhà Việt Nam, tỷ lệ hàng tồn đang chiếm tới 90% tổng tài sản, tương đương 636 tỷ đồng. Những con số được đưa ra mới chỉ là bề nổi của tảng băng.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đề xuất Bộ Xây dựng thúc đẩy nhanh việc cho phép xây dựng căn hộ diện tích 25m². Cùng với việc thị trường bất động sản đang hạ giá, việc giảm diện tích làm tổng tiền mua bất động sản giảm sẽ phù hợp với khả năng thanh toán của người mua. |
Theo TS Vũ Đình Ánh, trị giá bất động sản bán ế chưa được đánh giá đầy đủ và ước lượng đúng quy mô cũng như tầm mức thiệt hại cho nền kinh tế – xã hội mà nó đã và sẽ gây ra. Tình trạng hàng tồn quá lớn đang khiến các doanh nghiệp bất động sản lâm vào tình trạng kiệt quệ về vốn và đẩy nhiều doanh nghiệp ngấp nghé bờ vực phá sản. Đó cũng chính là lý do mới đây Bộ Xây dựng phải yêu cầu các địa phương khẩn trương tìm cách tháo gỡ.
Trong bối cảnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay đối với doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý trung ương, cho rằng, “độ trễ” của chính sách là một trong những nguyên nhân làm tác động của việc hạ lãi suất, gỡ bỏ hạn chế đối với thị trường bất động sản vẫn chưa được vận hành. Các ngân hàng thương mại cần có thời gian để hấp thu chính sách của Chính phủ, của ngân hàng Nhà nước và điều chỉnh hoạt động. Hơn nữa, hiện mới chỉ có trần lãi suất tiền gửi được điều chỉnh, lãi suất cho vay điều chỉnh chưa thật sự rõ ràng. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cũng cần phải có thời gian và năng lực mới được tiếp cận nguồn vốn. Hiện chỉ có một số rất ít doanh nghiệp lớn, có uy tín mới vay được ngân hàng với mức lãi suất 12% hoặc 12,5%.
Giai đoạn tài chính hóa thị trường
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản VN, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu ấm dần nhưng tốc độ hồi phục còn rất chậm và phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế chung. Đặc biệt, từ 15-9 tới đây, Quỹ đầu tư tín thác bất động sản sẽ chính thức đi vào hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường bất động sản bắt đầu bước sang giai đoạn mới, giai đoạn tài chính hóa thị trường. Quỹ đầu tư tín thác bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo ra luồng tài chính mới và là nguồn tiền quan trọng nhất, tiềm năng nhất cho thị trường bất động sản trong tương lai.
Tuy nhiên, trong bối cảnh những tác động tích cực đến thị trường bất động sản chưa thật sự rõ ràng, các doanh nghiệp vẫn đang phải xoay xở để tự cứu. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành (TPHCM), chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải chấp nhận lỗ tới 50% để tồn tại, giảm giá bán để giải quyết triệt để sản phẩm tồn đọng. Thực tế trên thị trường, đặc biệt khu vực TPHCM đã có rất nhiều doanh nghiệp giảm mạnh giá bán căn hộ, trong đó nhiều sản phẩm ở mức huề vốn hoặc chịu lỗ với mức giá trên dưới 10 – 12 triệu đồng/m²”.
Tương tự, tại Hà Nội, phân khúc căn hộ vẫn tiếp tục đà giảm giá với mức giảm khoảng 30% so với hồi đầu năm 2012. Giảm giá mạnh để có nguồn tiền thật chứ không phải giữ giá trị ảo để tái đầu tư các dự án có tính thanh khoản cao hơn, đó là giải pháp hữu hiệu nhất mà các doanh nghiệp bất động sản đang hướng tới. Đó cũng là giải pháp hâm nóng thị trường bất động sản và là cơ hội tốt cho người có nhu cầu mua nhà ở thực hiện nay.
BÍCH QUYÊN (SGGP)
Bình luận (0)