Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nghịch lý xuất khẩu thủy sản: Kim ngạch tăng, người nuôi vẫn lỗ

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 3,95 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm ngoái (3,8 tỷ USD). Xuất khẩu tăng trong thời buổi kinh tế còn khó khăn là đáng mừng, song có một nghịch lý là hàng loạt hộ nuôi thủy sản và không ít doanh nghiệp lại bị lỗ nặng.

Lỗ triền miên

Chiều 23-9, chúng tôi trở lại huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, vùng nuôi cá tra chủ lực của tỉnh Đồng Tháp, tới đâu cũng thấy người dân rầu lo bởi giá cá sụt giảm. Ông Nguyễn Khắc Phục, hộ nuôi cá tra chuyên nghiệp ở phường 4, thị xã Hồng Ngự chua chát: “Vài ngày nay giá cá tra loại 1 (dưới 1kg/con) sụt còn 22.000 – 22.200 đồng/kg, riêng cá quá lứa từ 1kg/con trở lên giá chỉ 20.000 đồng/kg, có nơi 19.500 đ/kg; người nuôi lỗ nặng, bởi chi phí giá thành tới 24.000 đồng/kg”. Ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự thừa nhận, người nuôi cá tra năm nay lỗ liên tục. Hiện giá cá xuống thấp và khó tiêu thụ, nên nhiều hộ buộc phải giảm cho ăn để cá chậm lớn nhằm “chờ giá”. Riêng cá quá lứa đành phải bán lỗ, bởi càng để lâu – cá càng lớn sẽ lỗ nhiều hơn.

Thu hoạch cá tra

Trong khi đó, nhiều hộ nuôi tôm cũng khốn đốn vì dịch kéo dài làm tôm chết hàng loạt. Ông Phạm Văn Quắn, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cho biết: “Thả 2 đợt hơn 400.000 con giống, tôm chưa được 1 tháng tuổi thì chết, mất trắng 150 triệu đồng. Ở Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau… nhiều hộ nuôi tôm trắng tay vì dịch bệnh. Bức xúc nhất của người nuôi là đến giờ này tôm chết do bệnh gì, phòng trị ra sao vẫn chưa được các ngành chức năng tìm ra. Điều này khiến người nuôi bất an, không biết có nên nuôi nữa hay tiếp tục treo ao.

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng

Người nuôi thủy sản lâm nạn, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng chẳng khá hơn. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, thị trường, thiếu nguyên liệu, tính cạnh tranh cao… Vì thế, chỉ sau quý 1-2012 đã có 330 doanh nghiệp thủy sản rơi rụng. Đáng lo ngại là nhiều tháng qua chỉ có 30% nhà máy chế biến tôm và cá tra hoạt động được 70% công suất; 30% nhà máy hoạt động từ 50% công suất trở xuống; 20% hoạt động dưới 30% công suất; và 20% còn lại ngưng hoạt động.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng: “Thời gian qua doanh nghiệp thủy sản (nhất là cá tra) ra đời quá dễ. Có nhiều doanh nghiệp ngoài ngành như bất động sản, du lịch, lúa gạo… dù không rành về thủy sản cũng ùn ùn đầu tư xây nhà máy thủy sản, bởi họ nghĩ đây là lĩnh vực “dễ ăn”. Chính sự phát triển tràn lan dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, làm hàng kém chất lượng… gây mất uy tín của ngành. Đáng lo ngại, đa phần các doanh nghiệp thủy sản yếu kém về vốn, chủ yếu dựa vào nguồn vay ngân hàng. Vì vậy, khi ngân hàng siết chặt tín dụng, cộng với lãi suất cao khiến hàng loạt doanh nghiệp chết yểu”.

Các nhà chuyên môn cho rằng, ngành thủy sản phát triển kiểu tự phát, quản lý của nhà nước không theo kịp. Từ vùng nuôi cho đến thu hoạch, chế biến, xuất khẩu, chưa được kiểm soát chặt. Không ít doanh nghiệp chỉ chú trọng lợi nhuận trước mắt mà không đầu tư chiều sâu, thiếu xây dựng vùng nguyên liệu, thương hiệu… Sự liên kết giữa doanh nghiệp với nhau, và doanh nghiệp với người nuôi luôn xảy ra trục trặc, mâu thuẫn về quyền lợi. Những hạn chế trên đã kìm hãm sự phát triển của ngành thủy sản, trong đó rõ nhất là cá tra, dù nước ta “độc quyền” về mặt hàng này nhưng vẫn luôn bán ra thế giới với giá thấp và thường bị ép giá. Có thể nói, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng là nhờ vào số lượng, song chất lượng và lợi nhuận thu về chưa tương xứng. Càng lo hơn là ngành thủy sản chưa tìm ra mô hình phát triển bền vững, trong khi tính rủi ro ngày càng cao.

Ông Nguyễn Văn Đạo đề xuất ngành chức năng siết quản lý từ vùng nuôi đến chế biến, xuất khẩu. Cần có tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng. Doanh nghiệp nào đủ điều kiện về nhà máy, sản phẩm đạt chất lượng mới cho xuất khẩu; và giá xuất cũng được kiểm soát chứ không để bán tràn lan như lâu nay. Đối với người nuôi cũng vậy, phải nằm trong vùng quy hoạch, có vốn, kỹ thuật…

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, tỉnh xác định cá tra là thế mạnh. Tuy nhiên không chủ trương phát triển đại trà, chạy theo số lượng. Quan điểm của Đồng Tháp là sự tăng trưởng về thủy sản phải gắn với quyền lợi, lợi nhuận của người nuôi. Có như vậy việc tăng trưởng mới ý nghĩa và bền vững được.

Huỳnh Phước Lợi (SGGP)

Bình luận (0)