Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Rút thời hạn cho nước ngoài thuê đất

Tạp Chí Giáo Dục

Thời hạn 50 năm như dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề xuất là quá dài, có thể dẫn đến những phức tạp nảy sinh…
Ngày 25-9, Hội đồng Dân tộc của QH họp phiên thứ 4 thảo luận về những nội dung quan trọng của dự án sửa đổi Luật Đất đai (sẽ được trình ra QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vào tháng 10 tới). Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị nên xem xét, cân nhắc thật kỹ về quy định cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được thuê đất không quá 50 năm như đề xuất trong dự thảo.
“Chúng ta cần phải xem xét kỹ vấn đề trên. Bởi thực tế, trong thời gian qua đã nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng ở khu vực biên giới, rồi nuôi trồng thủy sản gần khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa)” – đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang) nêu ý kiến. Theo bà Nái, quy định như dự thảo cho nước ngoài thuê đất với thời gian 50 năm là quá dài, dễ nảy sinh những phức tạp về mặt xã hội như việc họ lấy vợ, lập gia đình rồi cố tình ở lại Việt Nam sinh sống. “Tất cả điều đó chúng ta phải xem xét một cách thận trọng, tính đầy đủ mọi mặt” – bà Nái nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu đề nghị nên xem xét rút thời gian cho nước ngoài thuê đất ở vùng biên giới để tránh nảy sinh những phức tạp về mặt xã hội. Ảnh: HTD
Cũng tại cuộc họp trên, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần phải làm rõ hơn các quy định về giá đất trong dự thảo luật. Phó Trưởng đoàn đại biểu QH Bắc Kạn Phương Thị Thanh cho rằng đây là vấn đề bức xúc nhất và là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện nhiều. “Năm nào cũng thế, cứ đến kỳ họp là lại thấy người dân tụ tập ngoài đường kêu rằng “QH ơi, đại biểu ơi, Chính phủ ơi cứu chúng tôi” nghe mà thấy buồn” – bà Thanh tâm sự.
Theo bà Thanh, dự thảo luật cần phải quy định một cách rõ ràng thế nào là giá đất phù hợp với thị trường để người dân chấp nhận được. Chứ như hiện nay, sau khi bồi thường, doanh nghiệp được quyết định giao đất là lập tức giá đất tăng lên vùn vụt, gấp hàng chục lần nên người dân cảm thấy rất thiệt thòi.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Nái đề nghị khi có quyết định thu hồi đất thì sau đó phải chi trả tiền ngay cho dân, chứ không được để quá lâu. “Thực tế qua giám sát tôi thấy có những dự án sau khi thu hồi thì 1-2 năm sau mới trả tiền bồi thường cho dân. Khi đó giá đất đã thay đổi rồi, lại cộng với trượt giá, đồng tiền mất giá trị nên người dân thấy thiệt thòi dẫn đến khiếu kiện” – bà Nái nêu thực tế.
Tại hội thảo, một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là việc bồi thường, hỗ trợ người dân phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thủy điện. Bởi theo các đại biểu, trong nhiều năm qua quy định “sau khi di dời phải đảm bảo cho người dân có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” hầu như không thực hiện được. Do đó, các đại biểu đề nghị cần bổ sung những quy định để đảm bảo điều đó được thực hiện nghiêm túc trên thực tế.
THÀNH VĂN (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)