Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Năm 2012, xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là con số điều chỉnh mới nhất được ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, cao hơn con số 7,1 triệu tấn năm 2011. Như vậy, nhiều khả năng năm nay Việt Nam sẽ thay thế Thái Lan ở vị trí số 1 về xuất khẩu gạo. Tất nhiên, điều này sẽ trọn vẹn hơn nếu như giá trị kim ngạch xuất khẩu không giảm, dự kiến giảm khoảng 9% so với năm 2011.

Thu hoạch lúa tại tỉnh Long An. Ảnh: Kim Ngân

Thông thoáng đầu năm 2013

Việc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) ký với cơ quan hậu cần Indonesia (Bulog) hợp đồng cấp chính phủ xuất khẩu 300.000 tấn gạo loại 15% tấm, giao hàng từ cuối tháng 10 đến cuối năm 2012, rơi vào thời điểm thu hoạch lúa thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long, có thể nói đã làm giảm áp lực về việc tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa trong dân mà người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý luôn căng thẳng từ vụ đông xuân và hè thu.

Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã ký biên bản hội nghị và nghị định thư sửa đổi bản ghi nhớ (MOU) về thương vụ mua bán gạo giữa Việt Nam và Indonesia, áp dụng cho giai đoạn 2013 – 2017. Theo đó, mỗi năm Việt Nam sẽ bán cho Bulog 1,5 triệu tấn gạo. Cùng với Indonesia, năm 2013, Trung Quốc, kể cả Philippines cũng sẽ là khách hàng lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, sau thời gian bị mất thị trường châu Phi, vừa qua, các doanh nghiệp cũng đã xâm nhập lại thị trường này ở phân khúc gạo cấp cao. Ngoài ra, gạo chất lượng cao Việt Nam tiếp tục chen chân sâu vào thị trường vốn trước đây của Thái Lan như Trung Quốc, bao gồm Hồng Công…

Vì vậy, theo ông Trương Thanh Phong, thị trường gạo từ nay đến đầu năm 2013 nhìn chung là thông thoáng. Với việc xuất 7,5 triệu tấn gạo năm 2012, lượng gạo gối đầu sang năm 2013 sẽ không nhiều, chỉ khoảng 800.000 tấn. Tình hình này rất khác so với cuối năm 2011 đầu năm 2012. Vì vậy, VFA khuyến cáo bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long, nếu có điều kiện nên tăng cường sản xuất lúa đông xuân sớm (vụ 2012-2013) để có lúa thu hoạch vào tháng 2, đặc biệt, chú ý gạo chất lượng cao. Bởi gạo phẩm cấp thấp Việt Nam vẫn sẽ không cạnh tranh lại giá gạo của Ấn Độ và Myanmar.

Với những diễn biến này, gạo xuất khẩu sẽ tốt nhờ giá đứng ở mức khá cao. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là xuất khẩu gạo cả năm 2013 sẽ dễ dàng. Bởi tình hình và diễn biến mỗi năm, mỗi giai đoạn mỗi khác nên chưa thể nhận định lâu dài. Hiện nay Thái Lan tồn kho rất lớn, trên 10 triệu tấn gạo và lại chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mới. Riêng Ấn Độ, nhờ xuất khẩu một lượng cũng khá lớn, dự kiến khoảng 6,5 triệu tấn cả năm 2012, nhưng lượng gạo tồn kho vẫn còn ở mức rất cao. Đó là chưa kể Myanmar, một đối thủ tiềm tàng của cả Việt Nam và Thái Lan, dự kiến cũng sẽ có mùa lúa bội thu.

Chú ý mùa giáp hạt ở Bắc bộ

Việc chỉ chú ý vào xuất khẩu gạo mà bỏ quên thị trường trong nước có thể bị “hở sườn” khi lúa gạo cho nhu cầu người dân có khả năng khan hiếm cục bộ vào mùa giáp hạt. Thời gian qua, Trung Quốc không chỉ mua lượng gạo chính ngạch rất lớn, khoảng 1,9 triệu tấn mà thương nhân Trung Quốc còn vào các tỉnh phía Bắc mua lúa gạo đưa về bên kia biên giới, cũng giống như gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long “chạy qua” Campuchia để đến Thái Lan.

Những diễn biến bất ngờ này làm cho thị trường trong nước nếu không kịp thời điều phối có thể gây ra sự khan hiếm cục bộ, đặc biệt là mùa giáp hạt ở các tỉnh phía Bắc. Trước nay, khu vực này sản xuất lúa gạo chỉ đủ cung ứng nhu cầu người dân tại chỗ. Khi thương nhân Trung Quốc mua với lượng khá lớn như vậy sẽ gây ra những bất ổn trên thị trường nếu không kịp điều phối.

Vì vậy, VFA đã yêu cầu Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) xem xét lại lượng gạo tồn kho các doanh nghiệp thành viên, để có biện pháp nhằm chủ động ứng phó, đảm bảo thị trường gạo các tỉnh phía Bắc được ổn định khi đến mùa giáp hạt.

Theo nhận định của VFA, khả năng thiếu gạo khó xảy ra, nhưng không loại trừ thời điểm nào đó, giá gạo có thể hơi cao hơn.

Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan đề xuất 5 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan lập Hiệp hội Gạo ASEAN. Mới đây, có thông tin, doanh nghiệp 3 nước Philippines, Myanmar, Thái Lan thành lập hiệp hội lúa gạo…

Theo ông Trương Thanh Phong, sau cuộc khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008, VFA và Hiệp hội xuất nhà khẩu gạo Thái Lan có phiên họp song phương định ký 2 lần/năm, không phải thành lập hiệp hội mới. Cuộc họp tháng 7 vừa qua ở Bangkok (Thái Lan) hai bên cùng xem xét đề xuất của Myanmar và Campuchia về ý định tham gia, và phân công: Thái Lan sẽ xem xét Myanmar, Việt Nam sẽ tìm hiểu Campuchia. Nếu đủ điều kiện có thể tham gia trong thời gian tới.

Công Phiên (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)