Là nguyên liệu sạch, xăng sinh học lại tạo thêm công ăn việc làm nhưng thực tế người dân và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn vì càng làm càng lỗ khi đầu ra ế ẩm.
Tại hội thảo phát triển nhiên liệu sinh học bền vững ở Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp Tập đoàn Dầu khí tổ chức ngày 24/10, ông Hoàng Công Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho hay dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ chậm tiến độ hơn một năm khiến tỉnh khó khăn. Người dân trồng nhiều sắn để phục vụ cho nhà máy, nhưng xăng làm ra không bán được nên "củ sắn càng to người dân càng lo".
"Hàng vạn nông dân liên quan đến vùng nhiên liệu phải ngồi khóc trên đống sắn khi trồng ra rồi không biết bán cho ai", ông Thủy chia sẻ.
Ông Thủy cũng cho hay, Phú Thọ quy hoạch 8.000 ha để xây dựng nhà máy xăng sinh học, kéo theo đó là sự hân hoan của người dân nhưng không ai ngờ rằng bán nhiên liệu sạch này lại khó khăn đến vậy. Tâm lý người dân chưa sẵn sàng cho việc dùng xăng E5 vì số đông còn nhầm lẫn với methanol khi có hiện tượng cháy xe. "Tỉnh đã đầu tư trên 60% ở các dự án, nay đầu ra không có, tôi đề nghị Tập đoàn Dầu khí mua lại toàn bộ để gỡ khó cho doanh nghiệp", ông nói.
Xăng sinh học chưa hút khách. Ảnh: KC
Góp cổ phần vào 3 nhà máy xăng sinh học, Chủ tịch PetroVietnam Phùng Đình Thục đánh giá, xăng sinh học có mục tiêu lợi ích hết sức rõ ràng nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng, gia tăng giá trị nhiên liệu trong nước nhưng trong thực tế, xăng sinh học lại chưa được người dân sử dụng nhiều.
Vấn đề lớn hiện nay là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. 9 tháng vừa qua, PV Oil hăng hái nhất cũng chỉ bán được 15.000m3 xăng E5, tiêu thụ tương đương 750 m3 Ethahol trên tổng số sản lượng 200.000 tấn. Còn lại đã xuất khẩu bán với giá 15.000 đồng-18.000 đồng mỗi lít. "Như vậy chỉ coi như hòa lỗ hoặc hòa vốn. Ai mua mà bán, làm làm gì, mua giá nào, càng làm càng lỗ thì bỏ tiền ra làm gì?", lãnh đạo PetroVietnam băn khoăn.
Ông Lê Xuân Trình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) bổ sung, sau hơn 2 năm đưa sản phẩm ra thị trường, doanh số rất thấp so với các loại xăng truyền thống và gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 9 tổng công ty chỉ phát triển được thêm hơn 100 cửa hàng xăng dầu bán xăng E5 nâng tổng số điểm bán xăng trên cả nước lên 136 cửa hàng tại 36 tỉnh thành. Dự kiến năm 2013, PV Oil sẽ phát triển thêm khoảng 40-50 cửa hàng bán xăng E5 và cung cấp ra thị trường khoảng 80.000 m3 xăng E5, tập trung chủ yếu tại các tỉnh thành phố lớn. Từ năm 2015 trở đi PV Oil sẽ bán xăng E5 trong toàn bộ hệ thống nếu nhà nước ban hành lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học trên toàn quốc.
Hiện mới chỉ có 3 trong số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối bán xăng E5 gồm PV Oil, Petec và Saigon Petro. Để đảm bảo hoạt động liên tục, các nhà máy đã buộc phải xuất khẩu Ethanol sang một số nước như Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng khả năng cạnh tranh rất kém do giá thành sản xuất còn cao.
Ông Võ Tuấn Nhân Phó chủ nhiệm, Ủy ban khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, mặc dù đề án và chủ trương sử dụng xăng sinh học đã có nhưng trong quá trình triển khai lại còn nhiều vướng mắc, do đó chỉ khi giải quyết xong các khó khăn, lợi ích mới có. Theo ông Nhân, Bộ Công Thương phải phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới có thể phát triển nhằm ứng dụng phát triển vùng nguyên liệu bền vững. "Khi giá sản phẩm chưa rẻ hơn thì khó đi vào cuộc sống. Cần cơ chế chính sách để giá nhiên liệu sinh họa rẻ hơn", ông Nhân nói.
Theo Hoàng Lan (VNE)
Bình luận (0)