Hiện xăng E5 rẻ hơn xăng A92 100 đồng/lít. Các chuyên gia cho rằng xăng E5 cần rẻ hơn 1.000 đồng/lít thì mới bán được.
Theo dự thảo lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học do Bộ Công Thương công bố từ cuối năm 2014, xăng sinh học E5 bắt buộc được sử dụng trên thị trường. Thế nhưng đến nay doanh nghiệp (DN) bán xăng E5 vẫn loay hoay tìm chỗ đứng, còn người tiêu dùng thì thờ ơ.
Ngưng sản xuất vì quá ế
“Huyện có khoảng 450 ha sắn người dân trồng để phục vụ cho nhà máy sản xuất ethanol. Vì nhà máy ngưng hoạt động mà chúng tôi phải đi vận động bà con nhổ sắn, xắt nhỏ, phơi khô đem bán” – ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam), cho biết.
Đại Lộc là nơi có nhà máy sản xuất ethanol đầu tiên tại Việt Nam do Công ty CP Đồng Xanh đầu tư. Lúc trước, khi nhà máy xuất hiện đã hứa hẹn mở ra “cuộc sống mới” cho nông dân. Còn nay, một cán bộ huyện Đại Lộc cho hay: “Nhà máy dừng sản xuất từ tháng 7 chưa biết khi nào hoạt động lại. Nhiều lần liên lạc với họ để làm việc nhưng lãnh đạo cứ báo đi nước ngoài miết. Nguyên nhân ngừng sản xuất nghe đâu do thiết bị phải bảo hành và khó vay vốn ngân hàng”.
Vào năm 2010, ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học nhằm đón đầu cơ hội đưa xăng E5 ra thị trường, Nhà máy Đồng Xanh đã được thiết kế công suất tới 125 triệu lít/năm. Việc ngừng sản xuất ethanol đã khiến nhiều nông dân khó khăn do nhà máy này là nơi tiêu thụ sắn cho các tỉnh Gia Lai, Kon Tum… và cả nước bạn Lào.
Giá thành của xăng E5 vẫn chưa hấp dẫn được người tiêu dùng. Ảnh: HTD
Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết Nhà máy Dung Quất cũng đang thử sản xuất ethanol. “Do đang chạy thử nên chưa phải đối mặt với những khó khăn như Nhà máy Đồng Xanh. Tuy nhiên, với tình hình thị trường như hiện nay chắc chắn khi vận hành chính thức vào năm sau sẽ khó khăn, có thể gặp trường hợp tương tự” – ông Giang nói.
Còn ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đơn vị đầu tư ba nhà máy sản xuất ethanol tại Quảng Ngãi, Bình Phước và Phú Thọ, cũng cho rằng do sức tiêu thụ xăng E5 của thị trường trong nước chưa tới 5% tổng sản lượng nên số còn lại PVN phải xuất khẩu nhưng lại bị DN nước ngoài ép giá.
Ít người biết
Hiện trên thị trường chỉ có ba đơn vị là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Saigon Petro và Petec đăng ký pha chế rồi bán xăng E5. Tuy nhiên, chỉ có PV Oil là đẩy mạnh hệ thống bán lẻ xăng E5, thậm chí còn liên kết với một số doanh nghiệp xăng dầu bán lẻ khác để đẩy mạnh mặt hàng này.
Trưởng chi nhánh một cây xăng có bán xăng E5 tại TP.HCM cho biết có thời gian tạm ngưng bán xăng E5 vì sức tiêu thụ thấp. “Thời gian đầu bán xăng E5, có rất nhiều người thích. Nhưng sau đó có một vài hiểu lầm và họ hạn chế mua. Phải nói là các chương trình quảng bá về xăng E5 còn quá ít. Nhân viên của chúng tôi phải giải thích rất nhiều về E5 nhưng chỉ rất ít người bỏ thói quen cũ để chuyển qua xài E5. Tôi nghĩ những chương trình quảng bá về E5 cần phải nhiều hơn nữa” – vị này nói.
Chín tháng vừa qua, PV Oil hăng hái nhất cũng chỉ bán được 15.000 m3 xăng E5, tiêu thụ tương đương 750 m3 ethanol trong tổng sản lượng 200.000 tấn. Còn lại xuất khẩu với giá 15.000-18.000 đồng/lít. “Như vậy coi như lỗ hoặc hòa vốn. Có ai mua đâu mà bán, càng làm càng lỗ thì bỏ tiền ra làm gì?” – một lãnh đạo PetroVietnam băn khoăn.
Theo ông Phùng Đình Thực, nguyên nhân xăng E5 ế là do quy chế bắt buộc sử dụng chưa áp dụng. Người nào muốn dùng thì mua, không muốn thì thôi. Chưa hết, khi xảy ra sự cố cháy xe, có phát biểu nói một trong những nguyên nhân gây cháy là methanol, cách phát âm dễ gây nhầm lẫn nên nhiều người tưởng là ethanol và quay sang nghi ngại xăng E5.
Tuy nhiên, đại diện một DN sản xuất ethanol tỏ ra băn khoăn về đề xuất này. “Trước khi áp dụng quy chế bắt buộc cần có phản hồi tích cực từ thị trường. Khi nào người tiêu dùng phản hồi rằng dùng xăng E5 có lợi hơn xăng thường thì người sản xuất mới yên tâm. Còn bất kỳ động tác nào ép buộc, cưỡng bức để người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác và buộc phải chọn thì cần cẩn trọng” – ông nói.
Khó bán do chưa “đánh” vào giá
Một số chuyên gia ngành xăng dầu cho rằng trước khi dự thảo được áp dụng chính thức thì cần bàn thêm về lộ trình cũng như giá bán.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, nói thêm để xăng E5 gắn liền với cuộc sống người dân trước tiên cần quảng cáo, phát triển những xe máy động cơ chạy được xăng E5 ổn định mà không có trục trặc kỹ thuật nào. Thứ hai, xăng E5 phải rẻ hơn xăng thường. Rẻ hơn 100 đồng/lít có thể nhiều người chưa mua nhưng nếu rẻ hơn 1.000 đồng/lít thì chắc chắn sẽ khiến người dân suy nghĩ lại. Ngoài ra, Bộ Khoa học Công nghệ nên vào cuộc, tiếp tục chứng minh cho người tiêu dùng thấy xăng E5 không có hại cho động cơ.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nếu chỉ giảm 100 đồng thì không nghĩa lý gì cả, nên khuyến khích thông qua cơ chế về giá, đánh vào lợi ích kinh tế. Việc hạn chế nhập xăng từ nước ngoài và sử dụng nguồn nhiên liệu trong nước là điều tốt, tuy nhiên không thể áp đặt với người tiêu dùng sử dụng một mặt hàng nào đó.
Về việc hỗ trợ xăng E5 ra thị trường, một chuyên gia xăng dầu cho rằng Nhà nước không nên dùng biện pháp hành chính, chỉ nên hỗ trợ bằng thuế. Ví dụ, nếu như với A92, thuế bảo vệ môi trường là 1.000 đồng/lít thì xăng E5 (do 95% là xăng A92) có thể đánh phí thấp hơn, chỉ 500 đồng/lít chẳng hạn. Làm được điều đó thì tự DN và người tiêu dùng sẽ tìm đến.
Gia đình tôi thường xuyên dùng xăng E5 cho xe máy và cảm thấy rất ổn. Tuy nhiên, hiện có rất ít cây xăng bán xăng sinh học. Chưa kể, mỗi cây xăng chỉ có một trụ bơm bán xăng E5. Nếu lỡ đúng lúc nhân viên nào đi ăn sáng thì tôi chẳng thể mua. Tôi nghĩ cần nhân rộng các cửa hàng xăng E5 càng sớm càng tốt để tiện lợi cho người mua.
ÔngLÊ VÂN, một người tiêu dùng ở quận 10, TP.HCM
|
MAI PHƯƠNG – LÊ PHI
Theo PhapluatTP
Bình luận (0)