Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lo thị trường tết bết bát

Tạp Chí Giáo Dục

Các doanh nghiệp (DN) đã bắt tay lo hàng cho thị trường tết. Tuy nhiên, trái với không khí rầm rộ mọi năm, đến thời điểm này nhiều DN chỉ mới chuẩn bị dè dặt do lo ngại bị ngậm hàng.

Phải dành một khoản vốn lớn để trữ hàng, siêu thị cũng lo sức mua trong dịp tết sụt giảm -Ảnh: T.Đạm
Rất nhiều DN đã giảm mạnh lượng hàng chuẩn bị 20-30% so với năm trước chủ yếu do thiếu vốn, sức mua yếu. Theo các DN, người dân chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu có giá cả phù hợp, khuyến mãi hấp dẫn…
Thực phẩm: dè dặt chuẩn bị hàng hóa
Ngày 4-12, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN thực hiện chương trình “Tung hàng tết” nhằm hỗ trợ nhà sản xuất giải quyết đầu ra cho hàng hóa vào mùa tết.
Dự kiến có khoảng 600 khách mời là nhà phân phối, nhà bán lẻ, tiểu thương… và 50 DN hàng Việt có thương hiệu và chất lượng tốt tham gia sự kiện này.
Ông Nguyễn Kim Ngân, tổng giám đốc Công ty Việt Hương (chuyên sản xuất các loại nem, chả, giò và các loại gia vị), cho biết vẫn chưa chuẩn bị gì nhiều trong khi thời điểm này mọi năm công ty đã rộn ràng chuẩn bị, dốc toàn lực để sản xuất, lo thiếu hàng.
“Cửa hàng, siêu thị đặt mua bao nhiêu thì mình sản xuất bấy nhiêu thôi” – ông Ngân nói. Bên cạnh việc sức mua quá yếu, việc thiếu vốn để sản xuất cũng khiến Việt Hương loay hoay.
Theo ông Ngân, làm ăn khó khăn, vốn vay ưu đãi chưa tiếp cận được đã khiến “chiến dịch” hàng tết đến thời điểm này gần như vẫn giậm chân tại chỗ.
Công ty Vissan cho biết vẫn còn tồn kho khoảng 3.000 tấn thịt heo, 200 tấn thịt trâu bò nguyên liệu, 670 tấn thực phẩm chế biến, với tổng trị giá tồn kho ước khoảng 400 tỉ đồng. Đại diện Vissan cho biết mùa tiêu dùng tết năm nay Vissan vẫn chuẩn bị đầy đủ, “nhưng chắc chắn người dân sẽ không mua nhiều, doanh số chỉ mong tăng khoảng 2% so với năm trước”.
Nhóm hàng bánh kẹo được đánh giá là có phần khởi sắc hơn, nhưng nhiều DN chỉ dám kỳ vọng sức mua vào… giờ chót. Ông Trần Quốc Hoàng, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica, cho biết chỉ dám tăng sản lượng sản xuất lên 10% so với năm trước, lượng bánh kẹo mà Bibica chuẩn bị cho tết năm nay ước khoảng 5 triệu hộp, tương ứng 150 tỉ đồng tiền hàng. Công ty Kinh Đô chuẩn bị khoảng 3.800 tấn bánh kẹo các loại.
Các đơn vị bán lẻ lớn như Co.op Mart, Big C, Maximark, Lotte Mart, Vinatexmart… đến thời điểm này đã hoàn tất công tác chuẩn bị. Đại diện hệ thống Co.op Mart cho biết mặt hàng rau củ, trái cây đều đã liên kết với các trang trại ở Đà Lạt và một số trang trại đạt chuẩn tại TP.HCM để cung ứng vào dịp tết (khoảng 80% tổng lượng hàng rau củ). Hệ thống Big C cho biết lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Quý Tỵ 2013 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trương Chí Thiện, giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thành Đạt, cho biết hiện công ty đã chuẩn bị xong 12-13 triệu quả trứng để bán tết. “So với năm ngoái, chúng tôi đã tăng nguồn cung chuẩn bị lên thêm 2-3 triệu quả trứng. Dù kế hoạch là không để thiếu hàng hóa, nhưng nếu tình hình vẫn xấu như hiện nay thì đương nhiên lượng hàng tăng thêm sẽ bị rút xuống bớt” – ông Thiện khẳng định.
Thời trang: hàng mới bán kèm với… hàng tồn
Sức mua thấp kéo dài từ hai dịp lễ lớn trước đó khiến nhiều DN ngành thời trang vẫn còn đang… miệt mài xả hàng tồn kho. Nhiều DN cho biết trong vụ bán hàng mùa lễ như 30-4 hay 2-9, dù đã giảm giá mạnh nhưng vẫn còn tồn hàng khá lớn, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho dịp tết cũng bị ảnh hưởng, lượng hàng chuẩn bị bán tết sụt giảm nhiều. Bà Đặng Quỳnh Đoan, giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, cho biết lượng hàng chuẩn bị tết của đơn vị này giảm ít nhất 20% so với năm ngoái. “Sức mua rất yếu, nếu tăng lượng dự trữ hàng là chấp nhận năm ăn, năm thua” – bà Đoan nói.
Hệ thống siêu thị chuyên doanh hàng thời trang trong nước Vinatexmart vẫn tăng nguồn hàng dự trữ lên 35% so với năm ngoái, nhưng cho biết đang rất lo ngại về sức mua do số vốn bỏ ra lên tới 40 tỉ đồng. “Nếu không có nhiều siêu thị trong hệ thống đưa vào hoạt động gần đây, chắc nguồn hàng chuẩn bị chỉ có thể tăng tối đa 10% so với năm trước” – bà Phạm Thị Quỳnh Ny, giám đốc marketing hệ thống siêu thị Vinatexmart, nói.
Tương tự, không chỉ các trung tâm thương mại hay chợ, những phố chuyên doanh mặt hàng giày dép như Nguyễn Đình Chiểu, Trần Huy Liệu, Lê Văn Sỹ, Hai Bà Trưng… chỉ toàn thấy nhân viên bán hàng và bảo vệ giữ xe nhìn nhau là chính. Ông Đ.T. – chủ cơ sở đóng giày tư nhân M (Q.4), chuyên bỏ mối sỉ giày cho một số cửa hàng giày thời trang trên đường Nguyễn Đình Chiểu và chợ An Đông – cho biết đến cuối tháng 10-2012 cơ sở ông mới chỉ có hai “toa” đặt hàng làm tổng cộng 500 đôi giày bán… Giáng sinh sắp tới. “Tui chưa bao giờ thấy một không khí… bết bát đến như vậy. Người ta bán không được nên cũng đâu đặt hàng mình làm gì” – ông Đ.T. nói.
Ông Lâm Quang Thái, chủ tịch Công ty thời trang Blue Exchange, cho rằng cái khó đối với DN hiện nay là lãi suất vay ngân hàng vẫn quá cao, làm chi phí vốn của sản phẩm bị đẩy lên rất cao, “nên sản phẩm mất tính cạnh tranh ngay tại sân nhà lẫn hàng ngoại nhập”. Các DN trong nước hiện phần nào lấy lại được thị phần của mình do chất lượng sản phẩm đã được khẳng định với người tiêu dùng trong nước.
“Nhưng nếu hàng chất lượng mà giá vẫn không cạnh tranh cũng rất khó kéo người tiêu dùng ở lại với mình” – bà Đoan nói.
Chị Nguyễn Thanh Nga (giáo viên Trường trung học Việt – Úc):
Sẽ mua sắm ít lại
Mọi năm tôi chỉ mua sắm đồ dùng quen thuộc, thiết yếu cho gia đình vào dịp tết. Nhưng năm nay, hàng hóa vẫn thế nhưng giá cả thì cứ tăng đều đều. Bây giờ 100.000 đồng chỉ đủ chi cho một bữa ăn hằng ngày chứ nói gì tới ăn tết. Giá cả tăng thì buộc phải mua sắm ít lại, hoặc chọn những mặt hàng có khuyến mãi, giảm giá lớn để tiết kiệm. Cũng chừng ấy tiền mua sắm như mọi năm nhưng chỉ mua những thứ thật sự cần, hoặc chấp nhận mâm cơm ngày tết bớt đi sung túc chứ không dám chi tiêu nhiều.
TRẦN VŨ NGHI – DŨNG TUẤN
Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)