Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cơ hội “kép” cho xuất khẩu giày dép

Tạp Chí Giáo Dục

Dù chưa có kết quả chắc chắn nhưng việc có nhiều nhà nhập khẩu hàng giày dép EU tìm đến doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong thời điểm này cho thấy đàm phán hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đang tạo sức hút lớn đối với các nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, những bước tiến khả quan trong đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng mang lại nhiều yếu tố tích cực cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Một cơ hội “kép” cho giày dép Việt Nam tại 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Sản xuất giày da xuất khẩu vào EU tại Công ty Giày Liên Phát.

Hấp dẫn doanh nghiệp EU

Kinh tế thế giới vẫn chưa được cải thiện. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, EU đang lâm vào cuộc khủng hoảng thứ hai và điều này thể hiện qua con số giảm sút của xuất khẩu. Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, dù kim ngạch xuất khẩu không đạt được mục tiêu đề ra ở đầu năm nhưng tăng trưởng xuất khẩu của giày dép trong 10 tháng năm 2012 vẫn đạt ở mức 2 con số với hơn 5,7 tỷ USD; tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, dệt may – ngành hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức một con số.

Theo nhiều DN da giày, tại thời điểm này, đơn hàng xuất khẩu mùa xuân đi EU giảm đến một nửa so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, không khí đón khách, các nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu cơ hội hợp tác với DN khá nhộn nhịp đã phần nào tạo niềm tin, hy vọng mới cho DN. Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát (Bình Dương) cho biết, chỉ trong tháng 11-2012, công ty đã đón 4 đoàn DN là những nhà nhập khẩu giày dép EU, chủ yếu là Anh, Đức, Ý đến tham quan nhà xưởng, đặt vấn đề hợp tác. Đây chỉ là bước thăm dò của đối tác nước ngoài nhưng đó là dấu hiệu tích cực cho ngành giày Việt Nam trong năm tới.

Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát lần thứ 9 về chỉ số kinh doanh của các DN châu Âu hàng quý do Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu – EuroCham thực hiện vào tháng 10-2012 vừa công bố đầu tháng 11-2012 cũng cho thấy thái độ tích cực hơn trong kế hoạch đầu tư của DN EU vào Việt Nam. Các DN da giày Việt Nam đánh giá, chính FTA Việt Nam – EU là động lực lớn để các nhà nhập khẩu EU tìm đến thị trường Việt Nam nhiều hơn. Ngoài ra, làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng là một nguyên nhân thúc đẩy các nhà nhập khẩu nước ngoài tìm đến thị trường Việt Nam.

TPP – Giày dép ít bị “soi”

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước nhảy vọt về xuất khẩu cho Việt Nam. Nếu đàm phán thành công, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi, miễn hoặc được giảm mức thuế khá lớn khi nhập khẩu vào các nước thành viên mà đích nhắm lớn nhất là thị trường Mỹ. Theo tính toán, TPP sẽ mang lại cho Việt Nam 36 tỷ USD, khoảng 15% GDP vào năm 2025, mức cao nhất trong số các nước tham gia TPP.

Rõ ràng, để đạt được lợi ích như con số tính toán, dự kiến nêu ra ở trên, Việt Nam cũng phải “trầy vi, tróc vảy” trước các cuộc đàm phán để có thể đạt được lợi ích lớn nhất. Và rào cản lớn nhất ở đây vẫn là các hàng rào bảo hộ tại các thị trường giàu có, có mức tiêu thụ rộng lớn này. Đã là quy luật, nếu không đụng chạm đến DN trong nước thì ngành hàng đó sẽ được “thả cửa”. Đó là câu chuyện vì sao EU siết giày dép Việt Nam mà Mỹ lại thả, nhưng bù lại Mỹ siết dệt may Việt Nam.

Giày dép Việt Nam đã từng khổ sở một thời gian dài ở thị trường EU với việc áp thuế chống bán phá giá lên giày mũ da, chỉ vì có một số nước Nam Âu, cụ thể là Ý có sản xuất mặt hàng này. Trong đàm phán TPP, Mỹ vẫn đưa ra những yêu cầu xuất xứ bất lợi cho dệt may Việt Nam bởi vì đó là một cách để Mỹ bảo hộ ngành bông, sợi trong nước và ngành dệt may của các nước “sân sau” của Mỹ ở khu vực Trung và Bắc Mỹ. Dù các hãng giày của Mỹ vẫn yêu cầu Mỹ giữ nguyên mức thuế từ 8% – 37,5% đang áp dụng hiện nay đối với giày dép Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá, điều kiện ràng buộc đối với giày dép vào Mỹ sẽ ít bị “soi” kỹ hơn. Hiện kim ngạch xuất khẩu giày dép vào Mỹ chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận xét, tất cả các hiệp định thương mại đều có lợi, do mức chênh lệch giá giữa Việt Nam – Mỹ lớn nên chúng ta mới đẩy mạnh xuất khẩu vào đây. Những yêu cầu ràng buộc về xuất xứ, sử dụng nguyên phụ liệu đối với giày dép xuất khẩu vào Mỹ trong TPP vẫn được đặt ra. Tuy nhiên hiện nay ngành da giày Việt Nam đã chủ động phần lớn nguồn nguyên phụ liệu trong nước sản xuất, nhiều chủng loại giày dép, DN sử dụng 50% đến 90% nguyên liệu trong nước. Một lợi thế cho giày dép Việt Nam ở thị trường Mỹ là các hãng giày của Mỹ chủ yếu sản xuất giày dép thuộc nhóm 6402; nhóm mẫu 6403 (chủ yếu giày mũ da) DN Mỹ không sản xuất nên chắc chắn mức thuế của nhóm này sẽ được miễn, giảm.

Mỹ Hạnh (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)