Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sau chế biến cá tra, đến lượt nhà máy đường

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 4.12, bà Bùi Thị Quy, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần mía đường cồn Long Mỹ Phát (Hậu Giang) xác nhận doanh nghiệp này đã đóng cửa nhà máy đường. Chín nhà máy đường còn lại ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng hoạt động cầm chừng. Hiệp hội Mía đường Việt Nam có văn bản cầu cứu Chính phủ.

Tiêu thụ chậm, đường tồn kho đầy ắp trong các nhà máy. Ảnh: Đặng Hoàng

Bà Bùi Thị Quy giải thích rằng giá đường giảm quá nhanh, nhà máy ép đường ra tới đâu bán lỗ tới đó, thiếu vốn mua mía nguyên liệu. Theo cách tính của bà Quy, ở thời điểm hiện nay, giá thành sản xuất mỗi ký đường khoảng 13.500 đồng, cộng thêm chi phí tồn kho, lãi vay mỗi tháng xấp xỉ 500 đồng, nhưng giá bán trên thị trường chỉ còn chưa tới 13.700 đồng. “Doanh nghiệp vừa phải vay lãi cao, giá bán đường thấp hơn chi phí đầu vào, lại khó tiêu thụ. Càng tồn kho thì giá thành càng tăng cao nên tốt hơn hết là đóng cửa chờ khi nào giá đường lên thì sản xuất trở lại”, bà Quy nói.

Đóng cửa vì thua lỗ

Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam, nói rằng, Long Mỹ Phát không phải là nhà máy đường duy nhất gặp khó khăn. “Thị trường ế ẩm, đường sản xuất ra bán rất chậm, lượng tồn kho lớn, nhà máy không có vốn xoay vòng, còn giá lại giảm liên tục”, ông Long nêu nguyên nhân. Theo hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến hết tháng 11.2012, lượng đường tồn kho còn 110.000 tấn, cao hơn năm ngoái khoảng 60%. Mặc dù đang vào mùa tiêu thụ cao điểm cuối năm, nhưng giá đường bán sỉ tại mười nhà máy vùng ĐBSCL chỉ 13.700 – 14.600 đồng/kg, thấp hơn khoảng 4.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các nhà máy đường đều đang bị lỗ ít nhất từ 500 – 1.000 đồng/kg khi bán mức giá này.

Sở dĩ giá đường giảm là do năm nay nhu cầu sử dụng cho sản xuất thực phẩm giảm khá mạnh, ước tính khoảng 15 – 20%. Tuy nhiên, giới kinh doanh đường lại cho rằng nguyên nhân sâu xa vẫn là do đường nhập lậu từ Thái Lan đổ về quá nhiều, giá bán thấp hơn cả giá thành sản xuất trong nước nên đường nội khó lòng cạnh tranh. “Mỗi ký đường nhập lậu Thái Lan bán lẻ chỉ 13.800 đồng thì làm sao đường nội còn có đất sống. Không riêng gì Long Mỹ Phát, các nhà máy như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hiệp Hoà cũng chỉ còn chạy… từ từ. Sức chịu đựng của nhà máy có hạn, cầm cự được lúc nào hay lúc đó”, ông Long cho hay.

Trong văn bản gửi Chính phủ, hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị can thiệp cấp bách về thuế suất, hạn ngạch nhập khẩu đường, kiểm soát gian lận thương mại, xuất khẩu tiểu ngạch. Theo hiệp hội Mía đường Việt Nam, do chưa ngăn chặn hiệu quả đường nhập lậu và gian lận thương mại, đường nhập lậu ngày càng được đưa vào Việt Nam với số lượng rất lớn, uớc tính năm nay khoảng 400.000 – 500.000 tấn, bằng 30% năng lực sản xuất của cả nước. Số đường này bán với giá thấp hơn giá thành sản xuất trong nước và chi phối hầu hết thị phần đường phía Nam và một phần phía Bắc.

Không sớm thì muộn…

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng tính toán niên vụ sản xuất đường năm 2012 – 2013 dự kiến khoảng 1,5 triệu tấn, nếu cộng với lượng đường đã cho nhập khẩu theo hạn ngạch 70.000 tấn và tồn kho 178.100 tấn (tại thời điểm 15.8.2012) thì tổng lượng đường là trên 1,7 triệu tấn. Do mức tiêu thụ đường năm 2013 chỉ tương đương năm nay, dự kiến lượng đường dư thừa khoảng trên 400.000 tấn, nếu cơ quan chức năng vẫn không kiểm soát hết đường lậu thì chắc chắn các nhà máy phải đóng cửa hàng loạt.

Việc các nhà máy đường phải đóng cửa đã được nhiều chuyên gia dự báo sau khi Việt Nam mở cửa thị trường đường. Cả nước có hơn 40 nhà máy đường, hầu hết có công suất thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của thế giới (trên 8.000 tấn mía/ngày), chưa kể việc tận dụng hết giá trị sản phẩm sau đường còn bỏ trống; khâu quản lý còn yếu kém, diện tích trồng mía manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chữ đường thấp nên việc cạnh tranh hầu như ngoài tầm với của nhà máy.

Ông Nguyễn Thành Long cho biết lộ trình tham gia khu vực mậu dịch tự do (AFTA) của ngành đường từ nay đến 2017 chỉ còn năm năm, lúc đó sẽ không còn khái niệm đường lậu từ Thái Lan hay bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Ông Long nhìn nhận: “Ngành đường Thái Lan đi trước chúng ta cả trăm năm. Họ có lợi thế hơn hẳn chúng ta nên giá thành rẻ hơn. Chỉ cần không còn hàng rào bảo hộ, đường Thái sẽ thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam”. Vị chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo trong những năm tới, sẽ có thêm nhiều nhà máy đường rơi rụng.

Hoàng Bảy (SGTT)

Bình luận (0)