Tòa soạnThư đi – tin lại

Chữa bệnh bằng “trái kỳ diệu”: Coi chừng tiền mất, tật mang!

Tạp Chí Giáo Dục

Cây kỳ diệu. Ảnh: Aghivi.com

Công dụng của “trái kỳ diệu” (TKD) đến nay chưa có một công bố chính thức nào nhưng không ít người đã và đang lạm dụng nó như một phương thuốc chữa bệnh.
Không khó để bắt gặp những lời quảng cáo về TKD. Nhiều người kháo nhau rằng, ăn TKD sẽ chữa được các loại bệnh như tiểu đường, cao huyết áp… Bên cạnh đó, ăn TKD sẽ làm mất đi vị đắng nên dân nhậu “săn lùng” món độc để uống rượu, bia. Công dụng của nó lan truyền nhanh khiến giá được đẩy lên cao ngất ngưởng.
Chưa chứng minh độ an toàn
Anh Nguyễn Thanh Bình, nhà ở quận 1 , TP.HCM cho biết anh mua một cây nhỏ với giá 2 triệu đồng tại Lễ hội trái cây Nam bộ vừa được tổ chức ở Suối Tiên. Tuy nhiên, cây không dễ trồng như người bán quảng cáo. TKD chín có màu đỏ và chóng bị thối. Khi ăn vào, các vị đắng (bia, rượu), cay, nồng (ớt, tỏi), chua (chanh)… đều biến thành vị ngọt. Giá mỗi TKD cũng vô chừng, từ 30 ngàn đồng/ trái trở lên và có thể lên đến 200 ngàn đồng/ trái khi hút hàng. Tìm mua cây này ở đâu, giá cả bao nhiêu… đang là đề tài nóng hổi của các bệnh nhân tiểu đường và các “đệ tử lưu linh”.
Theo từ điển mở Wikipedia, năm 1852, cây kỳ diệu được TS. W.F. Daniel mô tả tỉ mỉ về đặc tính kỳ lạ này và định danh là Synsepalum dulcificum, họ Sapotaceae. Năm 1968, giáo sư Kenzo Kurihara và TS. Lloyd Beidler, Đại học Florida đã nghiên cứu, trích ly chất miraculin và tính chất của nó được làm rõ vào năm 1989. Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa chấp thuận loại cây này nên ở Mỹ chỉ dùng để làm cảnh. Lý do mà FDA đưa ra là chất miraculin chưa được chứng minh độ an toàn khi dùng trong thực phẩm.
Trên trang agiviet.com, những dòng quảng cáo “mật ngọt”, thiếu tính chuyên môn về loại cây này được đăng tải như sau: “Đây là một loại trái cây khá thú vị, lạ và hiếm (có lẽ người biết đến nó đếm trên đầu ngón tay, ai chưa thử sẽ bảo mình đang kể chuyện tiểu thuyết). Nó là một loại cây hoang dại do thổ dân châu Phi phát hiện ra đặc tính: chuyển vị chua, đắng sang vị ngọt mà vẫn giữ được hương vị ban đầu, vì vậy nó rất tốt cho người tiểu đường (không thèm đường nữa). Bạn có thể ăn 10 quả chanh cùng lúc, chanh chua mà ăn được như vậy thì huống chi những loại trái cây khác như cóc, xoài, bưởi… và uống bia rất ngon!…”
Không có công dụng chữa bệnh
Thông tin về cây kì diệu được truyền tai nhau khá chung chung, thậm chí không có chứng cứ khoa học như trái có vị ngọt, chua, chát, dễ trồng hơn bất cứ loại cây nào… Nhiều người còn kháo nhau sử dụng loại trái này để chữa bệnh tiểu đường rất hữu hiệu mà không cần phải đến bác sĩ. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân ung thư còn tin lời quảng cáo ăn 2-3 TKD/ ngày sẽ chữa được bệnh ung thư… Những lời đồn thổi về công hiệu của TKD không ngớt, thậm chí mỗi ngày phát hiện ra TKD chữa được một loại bệnh khiến không ít người có bệnh nhẹ dạ tin theo.
Tai hại về sức khỏe chưa được phát hiện, song không thể lường trước được sự nguy hiểm của nó đang tiềm ẩn đâu đó. Dược sĩ Nguyễn Hữu Đông, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, người có nhiều năm nghiên cứu về cây thuốc cho rằng TKD hoạt động theo cơ chế “ức chế cạnh tranh”, cơ chế ấy sẽ làm cho bề mặt gai lưỡi người ăn không còn cảm nhận vị chua, ngọt nên khi nếm vào không còn mùi, vị thật sự của nó. Dược sĩ Đông khuyến cáo, hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào công nhận TKD chữa được bệnh ung thư cũng như tiểu đường.
Tuy An

Bác sĩ Nguyễn Phúc Đạt, Bệnh viện An Bình TP.HCM khẳng định: “TKD chỉ có tác dụng “đánh lừa” vị giác của người ăn. Bằng chứng là chỉ sau một thời gian ngắn (không ăn TKD nữa) thì gai lưỡi có thể cảm nhận vị ngọt, chua, đắng bình thường trở lại. Tốt hơn hết là không nên sử dụng nó khi mọi hiểu biết về chúng còn mơ hồ”.

 

Bình luận (0)