Tòa soạnThư đi – tin lại

Bốn mươi năm cái chết của người thầy không im lặng: Kỳ 3: Nguyễn Ng. – tên giả danh cách mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Tại ngã ba này cách đây 41 năm (16-7-1968) ông Nguyễn Ng. sát hại ông Dương Ngọc Chánh

Bộ mặt của một người an ninh cách mạng mà trước đây hắn vẫn khoác vào bị vạch trần. Nguyễn Ng. đã bị bắt, khám trong người hắn có một khẩu ru-lô và mấy chỉ vàng. Hắn phải cúi đầu nhận tội.
Người trong cuộc lên tiếng
Trong tay tôi là những bằng khen, huy chương, huân chương Nhà nước xét tặng bà Nguyễn Thị Cầu có công với cách mạng, có sổ chế độ trợ cấp hàng tháng. Bà Cầu cho rằng những thứ này đều có công của ông Chánh. Lâu nay bà Cầu không im lặng những điều bà nói – cả những điều không im lặng trên những trang giấy viết tay, trang giấy đánh máy xác nhận về người bạn, người đồng chí, người đồng nghiệp vô cớ bị sát hại. Không phải họ tâng công, xét công mà họ muốn làm sáng lên về người thầy giáo Chánh có công hay có tội.
Bà Nguyễn Thị Nhung cán bộ văn phòng tỉnh ủy và Sở Bưu điện tỉnh Bình Định viết: “Ông Chánh cùng gia đình đào hầm bí mật trong nhà để giấu cán bộ, nuôi thương binh. Năm 1965, ông Chánh mở lớp tiểu học sư phạm 3 cho cách mạng trong vùng tranh chấp, tôi được học lớp tiểu học ấy. Năm 1967, 1968 tôi trực tiếp giao truyền đơn cho ông Chánh để rải áp sát vùng địch. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông Nguyễn Ngọc Phách, Phó bí thư xã, bí thư chi bộ lực lượng vũ trang, sau giải phóng là Phó thư ký Công đoàn cơ sở Công ty Vật tư Tổng hợp tỉnh Nghĩa Bình (cũ) kể: “Năm 1961, Ng. thoát ly lên núi một thời gian, rồi Ng. đào ngũ chạy xuống núi đầu hàng giặc. Sau đó Ng. về lại địa phương tham gia cách mạng ở địa phương vào ban an ninh xã. Tháng 7-1968 tại nhà tôi thuộc xóm An Chánh, thôn An Giang có cuộc họp chi bộ. Trong cuộc họp, Ng. đề xuất bắt ông Dương Ngọc Chánh là giáo viên của ta. Ng. nói ông Chánh là “gián điệp”. Chi bộ thảo luận và biểu quyết không ai nhất trí việc bắt ông Chánh. Chiều 10-1968 (âm lịch) Ng. tự tiện cho người bắt ông Chánh về xã, sau đó mấy hôm Ng. bố trí bắn chết ông Chánh”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng nguyên ủy viên ban an ninh xã Mỹ Đức, hiện công tác tại phòng giáo dục huyện Phù Mỹ kể: “Trong thời gian làm phó công an xã, Ng. đã lợi dụng chức quyền bắt giết, cướp tài sản của nhiều người, gây phẩn uất trong nhân dân. Năm 1970 Nguyễn Ng. bị kỷ luật cũng do những tội trên. Đồng chí Phách là người đi bắt Ng. và chủ trì cuộc họp kỷ luật Ng.”.
Ông Võ Ngọc Chánh, Trưởng công an huyện Phù Mỹ, tỉnh Nghĩa Bình (cũ) kể: “Lúc bấy giờ tôi là cán bộ an ninh tỉnh Bình Định – phụ trách trưởng đoàn về công tác ở Phù Mỹ đã trực tiếp xác minh kết luận vụ này do Nguyễn Ng. tự bịa đặt rồi bắt bớ lung tung chứ không có tài liệu, chứng cớ gì cho thấy ông Chánh là gián điệp, phản động. Và xác nhận vợ chồng ông Chánh là cán bộ hoạt động cơ sở cách mạng”.
Nguyễn Ng. đã từng đầu hàng giặc
Hồ sơ của công an huyện Phù Mỹ kết luận: “Nguyễn Ng. đã từng đầu hàng giặc, về sau này trở thành một kẻ thoái hóa lưu manh. Với bản chất cơ hội, Ng. luồn lách vào tổ chức cách mạng và giết hại nhiều người, nhiều cán bộ chủ cốt của xã Mỹ Đức…”.
Nội dung hồ sơ buổi họp kiểm điểm và thi hành kỷ luật Nguyễn Ng. đăng Báo Tiền Phong số 4+5 và 11 năm 1989: Nguyễn Ng. đã lợi dụng chức quyền bắt người không có lệnh, giết người không có bản án, cáo trạng hiếp dâm, ăn cướp của nhiều người. Với những tội trạng rõ ràng, Đảng ủy xã Mỹ Đức đã ra quyết định kỷ luật Nguyễn Ng. khai trừ ra khỏi Đảng, cách chức an ninh xã.
Đó là những trang đen Nguyễn Ng., tên giả danh cách mạng, tên tội ác giết người – giết người có âm mưu, giết người có hệ thống – khi mà sự thật đã sáng tỏ, chân lý đã công khai vậy mà tên tội phạm của cách mạng ấy vẫn được sự im lặng của luật pháp, vẫn được chở che của luật pháp. Và điều nghịch lý hơn tên tội phạm ấy vẫn sống, vẫn được hưởng chế độ trợ cấp như người có công với cách mạng. Đó là khi mà những đứa con ông Dương Ngọc Chánh trưởng thành nhận ra lẽ đời, lẽ sống để đi gõ cửa đòi công bằng, công lý cho cha. Những văn bản của Ban bảo vệ chính trị nội bộ của Bộ Công an kết luận tội phạm Nguyễn Ng. giết ông Dương Ngọc Chánh và giết nhiều người vô tội rõ ràng không chối cãi.
Đó là cái ngày hài cốt Dương Minh Ninh được đặt vào nghĩa trang liệt sĩ xã Mỹ Đức. Bà Cầu nghẹn ngào khấn gọi ông Chánh về mừng cho con được trở về nằm trên đất quê hương. Dương Minh Trị người con hiếu thảo không mệt mỏi trong cuộc đấu tranh này, trong buổi lễ kết nạp Đảng, anh đã xúc động khóc xin phép chi bộ được mời cha về cùng dự lễ. Trong buổi thắp hương dựng bia mộ Dương Minh Ninh trong nghĩa trang liệt sĩ, Dương Minh Trị đã khấn hứa với em trai “Công tích của má đã được xét thưởng, công lao của cha đang được xác minh, nghĩa vụ anh em mình một phần đã thực hiện, một phần giải được nỗi oan cho cha. Nhưng công tích của cha chưa được xét thưởng, kẻ giết cha chưa được xét xử, nỗi đau mỗi người chưa giải hết. Anh sống sẽ thay em tiếp tục làm tròn nghĩa vụ của người con để cái chết oan cha không còn im lặng”.
TRÚC CHI
Kỳ cuối:  Cái chết của ông Chánh chỉ có vợ và bà con cả xã Mỹ Đức biết nên khi đặt ông lên vai, bà con không nghe nặng mà chỉ nghe đau. Những người được ông dạy học, được ông băng bó vết thương cứ quấn quýt, theo lên đến mộ không muốn rời xa ông.

 

Bình luận (0)