Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nghi ngờ khoản vay 38.000 tỷ đồng cho cá tra

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đề nghị kiểm tra lại con số dư nợ 38.000 tỷ đồng cho ngành cá tra vay 9 tháng đầu năm 2012, mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo mới đây. Bởi thực tế, số doanh nghiệp cá tra phá sản, ngừng sản xuất ngày càng tăng, do không vay được vốn…

Ngành cá tra đang đi xuống vì DN và người nuôi đói vốn. Ảnh: Sao Mai.
Dư nợ 38.000 tỷ thật, DN đã không “chết” nhiều thế
Tại cuộc họp giữa Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) với Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát mới đây, đại diện NHNN cho biết trong 9 tháng đầu năm 2012, dư nợ cho vay đối với sản xuất cá tra đạt trên 38.000 tỷ đồng.
Số dư nợ trên cho hơn 6.000 hộ nuôi và hơn 250 DN vay. Chỉ tính từ sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng (công văn 1149, ngày 8-8-2012) về chính sách tín dụng cho thủy sản và chăn nuôi, dư nợ cho vay đối với hộ nuôi, chế biến cá tra lên tới trên 10.300 tỷ đồng.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Vasep cho biết, con số trên là không thể có, cần kiểm tra lại.
“Hồi tháng 2-2012, cũng tại cuộc họp do Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì, NHNN đưa ra con số dư nợ cho ngành cá tra khoảng 19.000 tỷ đồng. Bây giờ, 7 tháng sau nhảy lên 38.000 tỷ đồng. Con số này quá lớn, mà nếu có, thì các DN không phải bán tháo cá tra, để giá giảm như hiện nay”- ông Minh nói.
Theo lãnh đạo Vasep, ngân hàng nghe nói đến cá tra, “họ mường tượng như địa ốc, thì lấy đâu mà bơm ra”. Mặt khác, năm 2012, cơ cấu nuôi trồng là DN nuôi 70%, còn dân nuôi 30%.
“Trong số hộ dân nuôi cá, phần lớn là họ có tiền, nên tỷ lệ vay ngân hàng rất ít, còn hộ nuôi nhỏ lẻ, gần như không vay được vốn, nên lấy đâu con số hơn 6.000 hộ vay” – ông Minh nói.
Theo ông Minh, số DN chế biến xuất khẩu cá tra chỉ khoảng 70 DN, trong đó khoảng 30% gần như chết rồi, thì lấy đâu ra hơn 250 DN chế biến cá tra? Còn khoản dư nợ hơn 10.300 tỷ đồng cho vay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, ông Minh cho rằng, nếu có, cũng không quá 20% con số này.
Ông Minh nói, cần xem lại đối tượng được vay trong lĩnh vực cá tra có đúng như Thủ tướng chỉ đạo không. Còn về góc độ Hiệp hội, rõ ràng không có con số như NHNN báo cáo.
Vasep đặt nghi vấn: Có thể chi nhánh dưới cho vay sai mục đích, bây giờ lại hướng dẫn người vay làm đề án nuôi cá tra, vì đây là lĩnh vực đang được ưu tiên, để biến nợ xấu đó, qua nợ con cá tra.
Trước những con số “khủng” trên, Bộ NN&PTNT trong báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây về tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản, đề nghị cần kiểm tra, xác minh lại, vì thực tế con số từ các doanh nghiệp và địa phương thấp hơn nhiều.
Bộ NN&PTNT đề nghị Phó Thủ tướng nghiên cứu cách tính tài sản thế chấp của DN và hộ nuôi từ chính giá trị của thủy sản trong ao, để nâng hạn mức cho vay cao hơn so với hiện nay. Đồng thời, cần cơ cấu lại vốn từ ngắn hạn sang trung và dài hạn để cứu ngành cá tra.
Theo đại diện Vasep, với những DN hoạt động tốt, có thị trường xuất khẩu, nhưng đang gặp khó khăn về vốn thì ngân hàng nên cơ cấu lại vốn, cho họ vay.
Người nuôi lỗ trên 3.000 đồng/kg
Theo Tổng Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT), diện tích nuôi thả cá tra từ đầu năm đến nay là gần 5.500 ha, tăng 12% so cùng kỳ năm ngoái. Hiện diện tích đã thu hoạch hơn 3.850 ha.
Tổng sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay gần 1,1 triệu tấn, năng suất bình quân chỉ 279 tấn/ha, trong khi năm ngoái là 305 tấn/ha.
Vào thời điểm cuối quý II, đầu quý III, sau khi có thông tin về gói tín dụng giải cứu ngành cá tra, giá cá nguyên liệu tăng nhẹ, ở mức 20.500-22.300 đồng/kg.
Hiện, dù nhu cầu tiêu thụ cá tra một số nước có dấu hiệu tăng để đón Giáng sinh và năm mới, nhưng giá cá tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 20.500- 21.700 đồng/kg, giảm 500-700 đồng/kg so với đầu tháng 12.
Việc giảm này là do hàng tồn kho lớn, và sức ép từ cá đến kỳ thu hoạch. Hiện giá thành sản xuất cá tra là 23.000 – 24.000 đồng/kg, người nuôi đang lỗ 3.000-3.300 đồng/kg.
Tổng cục Thủy sản cho biết, đến 15-11-2012, xuất khẩu cá tra chỉ đạt hơn 1,52 tỷ USD, giảm 1,7% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng dự báo tổng xuất khẩu cá tra cả năm sẽ vào khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương năm 2011.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Vasep cho biết: Hiện cả nước có khoảng 70 DN chế biến cá tra, trong đó chỉ khoảng 15 DN hoạt động khá ổn định, số còn lại gần như phụ thuộc ngân hàng. Trong số các DN sống phụ thuộc vào vốn vay, có khoảng 15 DN gần như chết từ năm ngoái, do dùng tiền cá tra đầu tư vào mục đích khác như địa ốc, chứng khoán…; khoảng 40 DN chế biến cá tra, dùng vốn ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn như làm hạ tầng ao nuôi, đầu tư vào quá trình nuôi cá. Bởi vậy, không thể có con số cho vay tới 38.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2012.
Phạm Anh (TPO)

Bình luận (0)