Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cúm A(H7N9): Không chủ quan, chớ hoang mang

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gia cầm chưa qua kiểm dịch bán tràn lan là nguy cơ của cúm H7N9. Ảnh: C.Việt

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện đã phát hiện 24 ca bệnh dương tính với cúm A(H7N9), trong đó có 7 trường hợp tử vong tại Trung Quốc. Vậy cúm A/H7N9 có lây lan từ Trung Quốc sang Việt Nam không, cách phòng ngừa ra sao?
Nguy cơ cao
Bộ Y tế dự báo, nguy cơ dịch cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Bởi bệnh cúm A(H7N9) là do nhiễm chủng virus cúm A(H7N9) có nguồn gốc từ gia cầm. Và đến thời điểm này các chuyên gia y tế vẫn chưa xác định được cơ chế  lây bệnh, các yếu tố dịch tễ liên quan giữa các trường hợp mắc bệnh.  Mặt khác, đặc tính của virus cúm A là thường xuyên biến đổi có thể thành chủng mới dễ dàng lây truyền sang người. Điều đáng lo ngại là hiện chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nước ta đang phải đối mặt với việc nhập lậu gia cầm, gà thải loại ở Trung Quốc về các tỉnh phía Bắc, gà lậu Trung Quốc qua Campuchia về các tỉnh phía Nam. Nhiều người dùng xe 4 chỗ, xe du lịch để vận chuyển gà lậu nên rất khó phát hiện. Gà lậu chưa qua kiểm dịch ở vùng có dịch vào nước ta và được bày bán ở nhiều nơi, nguy cơ lây bệnh cho gia cầm trong nước cao, khó khăn ngăn chặn lây truyền từ gia cầm…
Bên cạnh đó, chim trời ở các tỉnh phía Nam cũng là một mối nguy lớn. Rồi lượng hành khách lên tới vài ngàn người/ngày từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cũng có thể đem mầm bệnh tới.
Nguy cơ cao như vậy, nếu ngành y tế cũng như các ngành liên quan chủ quan trong việc phòng chống thì khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng là không nhỏ. Song, người dân cũng không nên hoang mang…
Ăn sạch + ở sạch = không bệnh
Để ngăn chặn đến mức tối đa những tác hại do cúm A(H7N9) gây ra, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 1126 phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam”. Ngành y tế tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp trong việc giám sát sự lưu hành virus cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời, xử lý ổ dịch. Phối hợp với ngành nông nghiệp, ngành công thương tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam. Song song đó, thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm A(H7N9) tại các địa phương. Phối hợp chặt chẽ với WHO và các tổ chức quốc tế chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch, huy động sự hỗ trợ về thuốc kháng virus, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch…
Đối với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo nên tuân thủ những thực hành vệ sinh cơ bản để phòng ngừa nhiễm virus cúm A(H7N9). Cụ thể: Thường xuyên rửa tay với xà phòng (rửa tay trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn; trước khi ăn; sau khi đi vệ sinh; rửa tay khi thấy dơ và khi chăm sóc cho ai đó đang bị bệnh ở trong gia đình. Đặc biệt phải rửa tay sau khi tiếp xúc với động vật hoặc là chất thải của chúng); thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm (thịt, trứng gia cầm phải được chế biến thích hợp và nấu chín trước khi ăn, không ăn tái); khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi.
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)