Chứng mộng du sẽ mất dần khi trẻ bước vào tuổi teen. Ảnh: T.VÂN |
Mộng du là tình trạng đi trong giấc ngủ (một loại của rối loạn giấc ngủ). Bệnh này có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng thường xuất hiện ở trẻ em từ 3-12 tuổi và mất dần sau tuổi dậy thì.
Những trường hợp cụ thể
Chị Minh Nguyệt (quận 8 – TP.HCM) kể: “Có lần thức giấc nửa đêm, tôi giật mình khi thấy một bóng người đi ra khỏi giường, làm cái gì đó dưới nhà bếp. Thì ra đó là nhóc Tin, cậu con trai 6 tuổi của tôi.Tôi bước xuống xem có chuyện gì xảy ra thì thấy mắt con vẫn nhắm và hơi thở vẫn đều.Ngớ người ra mấy giây, tôi biết con đang bị mộng du. Nhớ lời BS dặn, tôi nói nhỏ nhẹ với Tin: “Con trai, quay về phòng ngủ đi nào, muộn lắm rồi!”. Nghe thấy tiếng tôi, Tin ngoan ngoãn nghe lời và leo lên giường một cách vô thức”.
Tương tự, anh Phan Long (quận Phú Nhuận – TP.HCM) có cô con gái 5 tuổi thường thức giấc nửa đêm, có biểu hiện hay nói ú ớ, rồi tụt xuống giường loạng choạng đi vào nhà tắm. Con thường xuyên bị như vậy khiến hai vợ chồng anh nhiều phen hú vía. “Nhà chúng tôi có hai lầu và tôi lo lắng cho sự an toàn của con. Tôi nên đề phòng những gì để con được an toàn khi con có các hành động như thế vào ban đêm? Có phải bé đang bị bệnh mộng du không? Bệnh này có cần đến BS chữa trị hay là chữa mẹo sẽ tốt hơn?” -anh Long lo lắng!
Theo BS. Nguyễn Minh Tuấn (Chuyên khoa thần kinh), biểu hiện của trẻ khi mộng du là đang ngủ bỗng ngồi dậy, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, về phía giường ngủ của bố mẹ, hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài… Mộng du thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ, vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ (giấc ngủ sâu) và kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Trong lúc bị mộng du, có ai hỏi, trẻ chỉ trả lời ú ớ, không nói rõ gì, điều đó rất có thể là trung ương thần kinh và tiếng nói vẫn còn đang bị ức chế hoặc chưa được hưng phấn hoàn toàn. Khi tỉnh dậy, trẻ không nhớ gì về sự việc đã xảy ra. Bệnh này có thể xảy ra hằng đêm, cũng có thể không thường xuyên.
Cũng theo BS. Tuấn thì một số yếu tố dẫn đến trẻ mộng du là lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm; ngủ không có giờ giấc, thiếu Mg, trào ngược thực quản; sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần; đi ngủ lúc bàng quang đầy nước tiểu; ngủ ở môi trường lạ hoặc nơi quá ồn ào, có quá nhiều ánh sáng…
Có cần chữa trị?
BS. Nguyễn Minh Tuấn khẳng định: “Hiện nay, chưa có một phương thức chính thống nào để chữa chứng mộng du. Thông thường, chứng này sẽ mất dần khi trẻ bước vào tuổi teen. Vì thế, các bậc phụ huynh không cần điều trị bằng thuốc, nhưng nên đưa bé đến BS khám chuyên khoa để được tư vấn liệu pháp thích hợp. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần để mắt đến trẻ nhiều hơn, hạn chế những hiểm nguy tiềm ẩn có thể xảy ra khi trẻ mộng du. Nên di chuyển những vật dụng nguy hiểm ra khỏi các khu vực trẻ có thể đi ngang khi mộng du, khóa cửa chính, cửa sổ cẩn thận. Hãy bố trí phòng ngủ của con bạn ở tầng trệt”.
Khi trẻ đang mộng du, tránh đánh thức hay làm trẻ giật mình. Hãy nhẹ nhàng đến gần và hướng trẻ quay trở lại giường ngủ. Mộng du có thể sẽ kết thúc ngay khi trẻ quay trở về điểm xuất phát, nhưng để an tâm hơn, phụ huynh nên nán lại với con để chắc chắn trẻ đã hoàn toàn ngủ say. Cũng có một số phương pháp giúp trẻ hạn chế chứng mộng du như: Cho con thư giãn trước khi ngủ bằng những bài nhạc nhẹ nhàng; giữ yên tĩnh và giảm độ sáng của đèn trong phòng khi con ngủ, hạn chế để trẻ uống nhiều nước vào buổi tối và nhắc con đi vệ sinh trước giờ ngủ để không phải thức dậy vào ban đêm.
Vân Thảo
Bình luận (0)