Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giải pháp “trị” trẻ biếng ăn

Tạp Chí Giáo Dục

Người lớn cần phải hiểu nguyên nhân trẻ biếng ăn để có giải pháp “trị” hữu hiệu  (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Có thể nói trẻ biếng ăn là hiện tượng rất thường gặp. Xu hướng này hiện càng trở nên phổ biến khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Nguyên nhân biếng ăn
Thống kê cho thấy, có tới 30% trẻ từ 18-24 tháng biếng ăn, trẻ sơ sinh cũng có tới 5% biếng ăn… Theo BS. Trần Văn Chỉnh (chuyên viên tư vấn tâm lý tình yêu – hôn nhân – gia đình) thì biếng ăn ở trẻ có nhiều nguyên nhân, trong đó 4 nhóm nguyên nhân thường gặp là: Do bệnh lý: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, trước khi bệnh, tâm trạng của trẻ uể oải, biếng ăn. Trong khi bệnh, trẻ mệt mỏi cùng các triệu chứng của bệnh nên không muốn ăn. Thông thường ở trẻ dưới 2 tuổi mỗi tuần đều có một, hai ngày ăn uống kém do các bệnh lặt vặt;  do tâm lý: Sự quan tâm thái quá của bố mẹ trong việc “ép” trẻ ăn. Khi trẻ ăn quá no, cơ thể chưa tiêu hóa kịp, sinh ra đầy hơi làm trẻ sợ ăn. Trẻ đến với bữa ăn như một cực hình khi luôn bị la mắng, bị phạt khi không ăn hết thức ăn hoặc ngược lại do ba mẹ quá nuông chiều nên sinh ra trái tính, trái nết, cứ đến bữa là trốn tránh hoặc nhõng nhẽo; do chế độ dinh dưỡng: Thức ăn quá đơn điệu, chẳng hạn như chỉ cho ăn “đồ bổ” theo ý cha mẹ làm trẻ ngán, hoặc thực đơn cứ thay đổi xoành xoạch làm trẻ không nhận dạng được thức ăn quen thuộc từ đó hình thành thói quen ăn uống; và đặc biệt là do sinh lý. Trong quá trình phát triển của trẻ từng giai đoạn có những thay đổi như mọc răng, lật, ngồi, bò, đứng, đi… trẻ vẫn chơi bình thường nhưng ăn ít hẳn đi trong vài ngày hoặc một vài tuần, sau đó lại ăn uống bình thường.
Giải pháp
Trước hết, cần hiểu vì sao trẻ biếng ăn để có giải pháp hữu hiệu, không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như tâm lý. BS. Chỉnh cho biết: “Phần lớn trẻ 2-3 tuổi sẽ ăn nhiều hơn nếu để cho bé tự ăn, đừng sợ bé làm đổ. Đó là niềm vui giống như một trò chơi vậy. Người trực tiếp cho trẻ ăn hãy kể những chuyện vui khi bé ăn, nhờ việc bé vừa ăn vừa chăm chú nghe mà ăn hết chén cơm lúc nào không hay. Nên quan sát và gợi ý trẻ ăn khi trẻ đã đói. Trẻ bệnh có thể bỏ bữa, không nên ép trẻ ăn. Đợi lúc trẻ thoải mái hơn hãy cho trẻ ăn, nên cho trẻ ăn nhẹ, dễ tiêu, khi trẻ khỏe lại sẽ ăn nhiều hơn. Việc làm cần thiết là giảm số bữa ăn và tăng dần lượng thức ăn theo thời gian. Cho ăn dặm đúng lúc, đúng nguyên tắc từ ngọt sang mặn, từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều và không cho ăn quá no. Phụ huynh cần lưu ý giảm ăn vặt để trẻ có cảm giác đói, đòi ăn khi đến bữa. Nếu vì lý do gì trẻ ăn không hết khẩu phần, hãy cho trẻ nghỉ sau đó trẻ sẽ ăn nhiều vào bữa sau, không nên ép trẻ ăn dễ làm trẻ ói và có cảm giác sợ… ăn. Đa dạng các món ăn, “tô màu” cho thức ăn của trẻ, các món ăn màu sắc, thơm ngon sẽ giúp trẻ thích thú ăn. Mẹ cùng ăn với trẻ để làm mẫu và luôn khen ngon để “dụ” trẻ ăn. Nếu trẻ thích ăn một thức ăn nào đó nhiều ngày thì cứ chiều trẻ, như vậy sẽ giúp trẻ cảm nhận và định hình về món ăn đó. Trẻ tìm hiểu thức ăn không chỉ bằng miệng mà còn bằng tay nên từ tháng thứ 8 trở đi có thể thái nhỏ, nấu mềm để trẻ tự bốc sẽ giúp trẻ thích thú ăn ngon và giúp phát triển chức năng nhai cho trẻ. Trẻ từ đủ 12 tháng có thể dậy ngồi ăn cùng mâm với cả nhà. Cho phép trẻ tự chọn thức ăn bằng cách hỏi trẻ trong số thực phẩm sẵn có. Như vậy trẻ sẽ thích hơn khi được ăn món mình chọn. Sau cùng, không nên bế trẻ dạo quanh xóm hoặc cho ngồi trên lưng do bố làm… ngựa đi quanh sân. Lâu ngày sẽ làm cho trẻ thêm nhõng nhẽo và vòi vĩnh hơn là ăn…”.
Trần Tuy An

Bình luận (0)