Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tai nạn từ “trên trời rơi xuống” với trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh hãy luôn để mắt đến con nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc

Mới đây, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 đã tiếp nhận bé Khôi Ng, 13 tháng tuổi nhập viện vì uống nhầm thuốc lắc. Mẹ bệnh nhi cho biết, có đưa bé sang nhà một người bạn chơi, trong lúc chơi trên sàn nhà, bé vô tình nhặt được nửa viên thuốc lắc và uống. Đây là một trong số rất nhiều vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em mà các BV nhi vẫn thường tiếp nhận…
Những tai nạn hi hữu
Gần đây nhất, ngày 25-10, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận một bé trai 13 tháng tuổi (Biên Hòa, Đồng Nai) bị chấn thương sọ não do té từ trên ghế cao xuống. Gia đình bệnh nhi cho biết, vào lúc 20h ngày 24-10, trong lúc bố mẹ đang ăn cơm, bé leo lên ghế nhựa cao 50cm múa võ siêu nhân và bị té đập đầu xuống đất bầm một bên tai. Sau khi té, thấy bé vẫn chơi vẫn ăn uống bình thường nên gia đình không để ý. Đến sáng hôm sau bé ngủ li bì không thức dậy, gọi bé thì thấy mắt mở lờ đờ, nhận thức lơ mơ nên chuyển cấp cứu BV Nhi đồng 2. Tại đây, các bác sĩ đã phẫu thuật sọ não lấy máu tụ trong màng cứng.
Trước đó, ngày 22-10, Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2 tiếp nhận một trường hợp chấn thương sọ não khá hi hữu ở trẻ nhỏ 2 tuổi chuyển viện từ BV Đa khoa Tây Ninh. Bé P.Q.A nhập cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, hai mắt sưng, sưng da đầu vùng thái dương và đỉnh trái. Bé đã được nhanh chóng chụp CT.scan não và xác định là có máu tụ ngoài màng cứng vùng thái dương gây chèn ép não. Các bác sĩ mổ khẩn cấp cho bé và lấy ra khoảng 60g máu tụ. Trước đó, mẹ bé hái dừa bằng sào, bé đi theo, chẳng may trái dừa rớt trúng đầu. 
Bác sĩ Phan Gia Duy Linh – BV Nhi đồng 1 cho biết: “Vào lúc 20 giờ 40, ngày 14-10, Khoa Tai mũi họng của BV đã cấp cứu thành công một trường hợp suy hô hấp cấp do nuốt phải núm vú nhựa làm tắc đường thở. Trước lúc nhập viện khoảng 30 phút, bé P.A.D, sinh tháng 4-2009 (P.3, Q.8), trong lúc vừa nằm ngủ vừa ngậm núm vú bằng nhựa đã nuốt vào trong họng, bé quấy khóc giãy giụa. Người nhà liền lấy tay móc núm vú ra nhưng không được nên vội chở bé vào cấp cứu. Bé nhanh chóng được chuyển vào phòng mổ và dùng dụng cụ để banh rộng vùng họng mới lấy được núm vú ra”.
“Hãy để mắt đến trẻ”
Đó là lời khuyên của bác sĩ Đoàn Thị Ngọc Diệp – Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2. Theo bác sĩ Diệp, phụ huynh có con nhỏ và giáo viên mầm non cần phải trang bị kiến thức về cách xử trí tai nạn sinh hoạt xảy ra tại nhà và trường học như: ngạt nước, ngộ độc thức ăn, sặc sữa, phỏng, chấn thương do vấp ngã… Bởi vì tai nạn đối với trẻ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi đôi lúc nằm ngay trong chính ngôi nhà, lớp học của bé. Nguy cơ đó có thể đến từ món đồ chơi của bé (bé nuốt đồ chơi dẫn đến hóc dị vật), kệ tủ (bé bị chấn thương do tủ ngã đè), bậc thang (té cầu thang trong khi bé tự lên xuống), chậu – xô nước (bé té vào chậu, xô nước dẫn đến ngạt nước), bếp (bé vào bếp chơi rồi bị bỏng lửa, thức ăn nóng, nước sôi), chất tẩy rửa, xăng – dầu (trẻ uống nhầm hóa chất mà cứ nghĩ là uống nước).
Bác sĩ Bùi Hải Trung, người trực tiếp phẫu thuật cho bé P.Q.A (Tây Ninh), cho biết: Bé còn quá nhỏ nên phản xạ tránh đồ vật kém, xương sọ còn mềm nên khi va đập trúng vật nặng từ độ cao thì khả năng xảy ra máu tụ sọ não rất dễ dàng. Nếu bé không được xử trí mổ kịp thời thì nguy cơ tử vong là rất lớn.
Bài, ảnh: Thùy Linh

“Tai nạn xảy ra ở trẻ nhỏ là vô cùng bất ngờ, không lường trước được. Các bậc cha mẹ nên lưu tâm, không nên cho bé vào khu vực có thể nguy hiểm cao dễ gây ra tai nạn cho trẻ”, bác sĩ Bùi Hải Trung nhấn mạnh.

 

Bình luận (0)