Một bệnh nhi đang được điều trị TCM
Ảnh: H.Triều
|
Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đã lan ra hầu hết các địa phương trong cả nước với trên 35 ngàn ca mắc và trên 80 ca tử vong. Tại TP.HCM đã có khoảng 7.500 ca mắc với 24 ca tử vong. Điều đáng nói là bệnh tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Giáo viên cần chú ý các dấu hiệu
Khi trẻ mắc bệnh truyền nhiễm thường có các dấu hiệu: biếng ăn, mệt mỏi; thay đổi hành vi: lờ đờ, khóc thét/kích động; sốt từ 38 độ trở lên, nhức đầu; da tái hoặc nổi ban; mắt đỏ hoặc vàng nhẹ; rối loạn thính giác; tiêu chảy, ói mửa, đau bụng; phân có đàm/máu, phân đen; sổ mũi, ho, đau họng, khó thở; đau lưng/chân/tay…
Triệu chứng ở miệng: tăng tiết nước bọt, ở miệng, có vết loét đỏ hay bóng nước đường kính 2-3mm. Triệu chứng ở tay, chân và gối: nổi mụn kích thước: 2-10mm; hình bầu dục, nổi cộm hay ẩn dưới da trên nền hồng ban, không đau. Khi bóng nước khô, để lại vết thâm da, không loét. Các biểu hiện thần kinh của bệnh TCM: Khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình; đứng không vững, đi loạng choạng; lờ đờ, gồng cứng, mắt trợn ngược, khóc quấy liên tục. Hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi trẻ: sốt cao, bỏ ăn, bỏ bú; biếng chơi, li bì, ngủ nhiều; lừ đừ, vẻ mặt không lanh lợi; bứt rứt, hoảng hốt.
Lưu ý, các biểu hiện thần kinh thường xuất hiện sớm, có thể trước khi có bóng nước ở tay, chân. Vì vậy, cần theo dõi trẻ ngay khi trẻ có biểu hiện sớm của bệnh: mệt mỏi, biếng ăn, tăng tiết nước bọt, lở miệng…
Làm sạch-vệ sinh-khử khuẩn trường lớp
Làm sạch: Loại bỏ đất, bụi, chất hữu cơ bằng nước và xà phòng hoặc các chất lau nhà -> giảm mầm bệnh; Vệ sinh: Dùng hóa chất làm giảm mầm bệnh đạt ngưỡng an toàn (áp dụng đối với thực phẩm, đồ chơi và học cụ); Khử trùng: Dùng hóa chất tiêu diệt mầm bệnh.
Việc làm sạch và vệ sinh trường lớp phải được thực hiện mỗi ngày. Thị trường có bán rất nhiều chất lau sàn có mùi thơm, sử dụng tiện lợi vì không phải lau lại bằng nước. Sử dụng các sản phẩm này để lau sàn làm sạch mỗi ngày thay thế xà phòng. Các sản phẩm này, trên nhãn có ghi tác dụng diệt trùng, tuy nhiên qua khảo sát tác dụng diệt trùng rất hạn chế. Vì vậy, không sử dụng cho mục đích khử trùng. Vật dụng/học cụ/đồ chơi phải làm sạch với nước và xà phòng mỗi ngày.
Chất khử trùng chứa clo: Natri hypoclorit (nước javel) và Cloramin B là hai loại hóa chất thường dùng để khử trùng bề mặt (vật dụng và bề mặt môi trường). Tùy theo mục đích, cách thức khử trùng, sự đề kháng của mầm bệnh, clo hoạt tính có trong dung dịch khử trùng đã pha có nồng độ khác nhau. Ví dụ: nồng độ clo hoạt tính cần thiết cho
Vệ sinh dụng cụ/đồ chơi/bề mặt môi trường: 0,05%
Khử trùng bề mặt vật dụng/môi trường: 0,1% đến 1%.
Vì vậy, trong việc pha dung dịch khử trùng cần phải tính toán đủ khối lượng hóa chất cần thiết để đạt được dung dịch có nồng độ clo hoạt tính muốn sử dụng.
Theo đó, nồng độ vệ sinh – khử khuẩn thường dùng trong trường mầm non là: (Xem bảng dưới đây)
Thông báo bệnh truyền nhiễm cho y tế địa phương nguy cơ dịch bộc phát trong trường/lớp học khi có từ 2 ca bệnh liên tiếp trong 1 lớp học trong vòng 7-14 ngày; có từ 1 ca bệnh/lớp trong từ 2 lớp trong vòng 14 ngày.
BS. Nguyễn Đắc Thọ
(Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM)
Bình luận (0)